13:06 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Khảm trai Chuôn Ngọ - Ngàn năm tỏa sáng tinh hoa văn hóa dân tộc

08:42 26/10/2020

(THPL) – Từ những vỏ trai, vỏ ốc vô tri vô giác, với óc sáng tạo tuyệt vời và đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ hiếm có, người làng Chuôn Ngọ đã tạo nên vô số tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, độc đáo, ghi dấu thương hiệu “Khảm trai Chuôn Ngọ” cả ngàn năm nay.

Làng Chuôn Ngọ thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, nổi danh với nghề khảm trai cổ truyền với lịch sử ngót 1000 năm.

Sự tích về tổ nghề khảm trai được truyền với nhiều tích khác nhau và hiện nay, người làng Chuôn Ngọ thờ Thành Hoàng Làng là cụ Trương Công Thành, một vị tướng thời Lý, để ghi nhớ công đức của cụ đã truyền dạy nghề khảm trai cho dân làng.

Trong đền thờ Thành Hoàng Làng hiện có treo bức hoành phi, trên đó khắc dòng chữ được tạm dịch là: “Người dân làng Ngọ luôn biết ơn mảnh đất thiêng liêng này đã cho dân làng cuộc sống thịnh vượng nhờ có nghề truyền thống của tổ tiên và nguyện sẽ phát triển nó mãi mãi”.

Nghề khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định mà đó là cả một quá trình lao động nghệ thuật đầy sáng tạo, tỉ mỉ.

Khảm trai sẽ chuyển màu sắc khác nhau khi trưng bày ở  nơi ánh sáng khác nhau

Vỏ trai, vỏ ốc chính là chất liệu để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật khảm tinh xảo, độc đáo. Trước tiên, người thợ chọn những con ốc biển, trai biển óng ánh rồi xẻ, lọc lấy lớp vỏ tinh khiết sau đó mài nhẵn và dùng bàn là nóng ép phẳng.

Sau đó, chúng được xẻ ra thành nhiều mảnh nhỏ, uốn thẳng, là, cắt dũa theo những hình đã được vẽ sẵn để lắp ghép trên những bề mặt cần khảm. Một bức tranh, một tác phẩm khảm trai có thể cần tới hàng ngàn, thậm chí chục ngàn chi tiết ghép lại với nhau. 

Cưa mảnh trai tạo hình chi tiết trong một tác phẩm. 

Nhìn những nghệ nhân Chuôn Ngọ ngồi gò lưng tỉ mẩn thực hiện các công đoạn, từ vẽ mẫu cho bức tranh (vẽ trên giấy), cưa trai theo nét vẽ, gọt giũa, tạo hình những chi tiết, có chi tiết nhỏ xíu như chiếc kim khâu, đục gỗ và gắn trai vào gỗ (gắn bằng keo hoặc sơn ta), mài khảm, đến công đoạn cuối cùng là đánh véc ni mới hiểu, nếu tình yêu nghề truyền thống không ngấm vào máu thịt thì khó có thể đủ kiên trì sáng tạo, hoàn thành được những tác phẩm nghệ thuật khảm trai tinh xảo, cầu kỳ đến vậy.

Tạo hình hoa cúc .

Những sản phẩm thủ công độc đáo mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc của bao thế hệ nghệ nhân Chuôn Ngọ được thị trường trong và ngoài nước rất ngưỡng mộ.

Trước cách mạng tháng Tám, các sản phẩm khảm trai chủ yếu được dùng trong các di tích tâm linh như đình, chùa, đền, miếu hoặc trong cung vua, phủ chúa, các gia đình quyền quý. Nhiều nghệ nhân ở thôn Ngọ đã được triệu vào Kinh thành Huế để làm hàng khảm cho nhà vua như cụ Nguyễn Văn Phú, cụ Lý Mục…

Năm 1942 sản phẩm khảm trai của nghệ nhân Đào Phụng Kế đã được bằng khen trong cuộc triển lãm ở Pari. Nhiều sản phẩm khảm trai quý hiếm của những người thợ làng Chuôn đã được thu thập và trưng bày tại nhà bảo tàng của ông Maurice Long vào khoảng năm 1898. Trong nhiều cuộc triển lãm ở Pháp, người thợ khảm Việt Nam đã nhận được bằng khen và "mề đay" với danh hiệu: "Người thợ giỏi nhất của nước Pháp". Triều đình Huế cũng tặng họ bằng khen, công nhận họ là "những người thợ giỏi nhất Đống Dương".

Nét đặc sắc của tranh khảm trai Chuôn Ngọ mà hầu như chưa có nơi nào đạt được, là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít, tạo thành những đường nét tinh xảo.

Tác phẩm khảm trai của nghệ nhân Nguyễn Đức Biết.

Nghệ nhân Chuôn Ngọ tiếp thu tinh hoa nghề của cha ông, đồng thời không ngừng tìm tòi, sáng tạo trên nền tảng giữ gìn nghiêm ngặt những bí quyết truyền thống đã tạo thêm vô số sản phẩm khảm trai tinh xảo, độc đáo, có tính ứng dụng cao trong đời sống hiện đại, chinh được những thị trường khó tính Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ....

Đó là những sản phẩm từ tủ, sập, bàn ghế, đến câu đối, hoành phi trong nhà thờ, đình, đền; những bức tranh treo tường phong cảnh, tranh tứ bình, tranh dân gian, tranh truyền thần các nhân vật nổi tiếng, hộp nữ trang, gương, tráp và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch....

Gà mẹ là một trong những mẫu mã có tính tìm tòi và làm mới từ truyền thống của nghệ nhân Nguyễn Đức Biết làng Chuôn Ngọ. Ảnh: Lê Bích

Đến nay, toàn xã Chuyên Mỹ đã có tới hơn 97% hộ dân sống bằng nghề khảm trai. Sự phát triển của làng nghề còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại các xã lân cận. Nhờ nghệ khảm trai mà Chuôn Mỹ xuất hiện nhiều tỉ phú trẻ như các anh Trần Bá Đình, Trần Bá Đàm, Nguyễn Đình Sáo, Nguyễn Phú Huynh, Trần Bá Chiến. .

Nghệ nhân Nguyễn Đức Biết, người sinh ra trong gia đình có 5 đời làm nghề khảm trai, chính là người có nhiều sáng tạo cải tiến những công cụ sản xuất phục vụ công việc, giúp  tạo nên những tác phẩm khảm trai ngày càng đẹp hơn, tinh xảo hơn, đạt đến đỉnh cao thẩm mỹ và đáp ứng nhu cầu thời đại. 

Anh chia sẻ: “Ngay từ nhỏ tôi đã biết đến vỏ ốc, vỏ trai. Năm 8 tuổi tôi đi học nghề, cầm cưa, cầm đục, mài giũa những mảnh trai, mảnh ốc. Cái khó là mặc dù đây là nghề cha truyền con nối song lại đòi hỏi người thợ có năng khiếu mỹ thuật, óc sáng tạo, sự khéo léo, tinh tế mới có thể tạo nên những tác phẩm khảm trai tinh xảo, độc đáo. Ngoài ra, muốn giữ nghề, phát triển nghề, tôi và những thế hệ kế tiếp cần đổi mới để tạo nên những tác phẩm độc đáo, khác biệt với sản phẩm những làng nghề khác.”.

Trải qua hơn một nghìn năm thăng trầm lịch sử, mặc dù có những lúc nghề khảm trai Chuôn Ngọ tưởng như bị mai một, nhưng mạch ngầm văn hóa cha ông vẫn luôn âm ỉ chảy trong tâm thức của những người con làng Chuôn Ngọ, để rồi, nghề quý của cha ông được gìn giữ, trao truyền, phát triển và thăng hoa. 

Hiện nay, thôn Ngọ đã được công nhận là “Làng nghề truyền thống” và đã được phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch, đền thờ Đức Trương Công Thành đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu