06:11 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hoạt động phi pháp nhiều năm, thương hiệu Golf Hà Đông vẫn được “ưu ái”?

PV | 09:32 02/08/2024

THPL- Mặc dù Khu công viên văn hoá - vui chơi, giải trí - thể thao quận Hà Đông bị yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với mọi doanh nghiệp, nhưng sân Golf Hà Đông lại là “ngoại lệ” được tiếp tục hoạt động suốt hai năm qua?

Ngang nhiên hoạt động mặc kệ “lệnh cấm”

Tháng 12/2022, UBND quận Hà Đông đã ra kế hoạch số 335/KH-UBND tổ chức thực hiện các kết luận, chỉ đạo của UBND thành phố về việc quản lý khu đất đã giải phóng mặt bằng thuộc quy hoạch xây dựng Khu công viên văn hoá - vui chơi, giải trí - thể thao quận Hà Đông (còn được biết đến là Dự án Công viên, thể thao, cây xanh quận Hà Đông hay chợ trung tâm 365 quận Hà Đông).

Cơ quan chức năng đã quây hàng rào tại phần vỉa hè xung quanh dự án (ngoài phần mặt bằng đã cho các đơn vị thuê), để 1 lối ra duy nhất tại cổng khu vực nhà điều hành của Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) Hà Đông quản lý quỹ đất theo đúng quy định.

Khu công viên văn hoá - vui chơi, giải trí - thể thao quận Hà Đông trở thành khu vực cấm, muốn đi ô tô qua phải trả 50.000 đồng?

Đây là kế hoạch của UBND quận Hà Đông khắc phục những tồn tại, sau khi UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo quận dừng ngay việc tạm khai thác cho thuê mặt bằng đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tiếp tục cho thuê sai mục đích, sai thẩm quyền.

Cụ thể, ngày 22/5/2015, khu đất này được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý sử dụng, tạm khai thác chống lấn chiếm đối với diện tích đất đã GPMB. UBND quận đã giao Trung tâm PTQĐ Hà Đông trực tiếp quản lý.

Nhiều công trình bên trong Khu công viên văn hoá - vui chơi, giải trí - thể thao quận Hà Đông đã bị bỏ hoang hoặc phá dỡ

Từ tháng 12/2015 đến tháng 7/2016, Trung tâm PTQĐ Hà Đông đã ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với 12 doanh nghiệp. Ngày 26/6/2021, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 366/TB-VP yêu cầu quận Hà Đông dừng ngay việc tạm khai thác cho thuê mặt bằng khu đất tại khu quy hoạch Công viên văn hoá - vui chơi, giải trí thể thao quận Hà Đông.

Cũng từ cuối năm 2022 đến nay, gần như toàn bộ các công trình nằm trong hàng rào quây tôn của Khu công viên văn hoá - vui chơi, giải trí - thể thao quận Hà Đông đã bị bỏ hoang, bị san phẳng hoặc phá dỡ. Ngoại trừ một doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động là Công ty Cổ phần Golf Hà Đông.

Khảo sát thực tế trong nhiều ngày của tháng 7/2024, phóng viên (PV) ghi nhận công trình gồm sân golf Hà Đông, nằm sâu bên trong Khu công viên văn hoá - vui chơi, giải trí - thể thao quận Hà Đông vẫn được dựng chắc chắn và hoạt động kinh doanh như không có “lệnh cấm” của cơ quan chức năng.

Mặc dù bị cấm hoạt động, sân golf Hà Đông vẫn tiếp khách và nhận dạy đánh golf như bình thường

Cơ quan địa phương liệu có bao che?

Để vào sân golf Hà Đông, người điều khiển ô tô sẽ phải trả 50.000 đồng cho “nhân viên thuộc Ban quản lý chợ” để được mở cổng, hoặc gửi xe tại Nhà văn hóa làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông và được nhân viên của sân golf đưa vào bằng xe máy.

Trong vai một khách hàng mới, PV được nhân viên của sân golf Hà Đông dẫn đi tham quan các khu vực đánh golf, được tư vấn về các gói tập và giá tập. Theo đó, một khóa học đánh golf tại đây có giá dao động từ 10 - 14 triệu đồng, hoặc học viên có thể tập đánh bóng theo buổi từ Thứ 2 đến Thứ 6 với giá 110.000 đồng/100 bóng và tăng lên thành 170.000 đồng sau 16h00 và các ngày cuối tuần.

Sân golf Hà Đông vẫn triển khai các chương trình khuyến mãi cho khách hàng

Ngoài các nhân viên và huấn luyện viên, gần như thời điểm nào trong ngày tại sân golf Hà Đông cũng có khách hàng miệt mài vung gậy, đánh bóng về phía khoảng sân cỏ có chiều dài lên đến 230m.

Không có dấu hiệu nào cho thấy sân golf Hà Đông bị yêu cầu ngừng hoạt động.

Theo lời quảng cáo của nhân viên, sân golf Hà Đông có 76 đường đánh bóng, chia làm 2 tầng. Khách hàng có thể đánh bóng vào cả buổi tối, sân có sẵn hệ thống đèn điện chiếu sáng hỗ trợ. Thậm chí, bên trong sân golf Hà Đông cũng có sẵn cửa hàng để khách hàng có thể lựa chọn mẫu gậy cùng dụng cụ hỗ trợ chơi golf của các thương hiệu, tên tuổi chất lượng, nổi tiếng như Ping, Kentack, Louis Castel,…

Gần như lúc nào tại sân golf Hà Đông cũng có khách hàng sử dụng dịch vụ

Như vậy, khi mà hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động tại Khu công viên văn hoá - vui chơi, giải trí - thể thao quận Hà Đông, khiến không ít người phải rơi nước mắt vì khoản tiền đầu tư khổng lồ lên đến hàng tỷ, chưa kịp thu hồi đã bị phá bỏ, buộc di dời… thì bằng cách nào đó sân golf Hà Đông vẫn được phép tồn tại và hoạt động.

Sẽ thật khó hiểu nếu cơ quan chức năng không biết chút gì về hoạt động kinh doanh của sân golf này, bởi sân golf chỉ cách UBND quận Hà Đông khoảng 1km. Chưa kể, trong suốt 2 năm qua, sân golf không thể vận hành nếu Công ty Cổ phần Golf Hà Đông không chi trả các khoản phí như tiền điện, tiền nước - hành động mà rõ ràng cho thấy có hoạt động kinh doanh tại khu vực đang bị cấm này.

PV đã liên hệ với UBND quận Hà Đông và Công ty Cổ phần Golf Hà Đông - đơn vị vận hành sân golf Hà Đông để tìm kiếm câu trả lời, thế nhưng đều không có lời hồi đáp. Liệu rằng trong gần 2 năm “lệnh cấm” vừa qua, sân golf Hà Đông đã thu lợi bao nhiêu tiền, số tiền này đã vào túi những ai?

PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu