16:02 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hoài Đức: Bài toán xây dựng thương hiệu làng nghề sản xuất miến Dương Liễu

| 09:31 11/01/2018

(THPL) - Càng gần Tết, người dân làng nghề sản xuất miến ở Dương Liễu lại tất bật ngày đêm để kịp ra lò hàng trăm tấn miến..., phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Vào những ngày này, làng nghề xã Dương Liễu (Hoài Đức – Hà Nội) sản xuất miến truyền thống đang tất bật, bộn bề với công việc sản xuất ngày đêm, nếu ai qua đây đều thấy làng nghề đang hối hả vào vụ. Nghề sản xuất miến quanh năm đủ 12 tháng, nhưng từ tháng 9 âm lịch trở đi mới sản xuất rầm rộ. Sản phẩm dịp này đáp ứng sức mua lớn của người tiêu dùng nên cơ sở nào cũng sản xuất với khối lượng rất lớn.

Mỗi dịp Tết, có nhiều cơ sở lớn mỗi ngày xuất xưởng từ 30 – 40 tấn sản phẩm miến, bánh kẹo; cơ sở sản xuất nhỏ sản xuất theo hộ gia đình cũng tung ra thị trường cỡ vài ba tấn sản phẩm. Dương Liễu có gần 12.000 khẩu với trên 2.700 hộ dân, trong đó có tới 80 - 90% làm nghề, tổng doanh thu làng nghề mỗi năm trên 200 tỷ đồng

làng nghề sản xuất miến Dương Liễu
Nghề sản xuất miến quanh năm đủ 12 tháng, nhưng từ tháng 9 âm lịch trở đi mới sản xuất rầm rộ. 

Theo các chủ hộ làm nghề, giá miến năm nay đã tăng khoảng 20% so với năm ngoái, do đầu vào, công vận chuyển, giá nguyên liệu… tăng. Vì vậy, các sản phẩm là miến đỏ có giá bán tại nơi sản xuất 20.000 đồng/kg, miến trắng 25.000 đồng/kg… Do hộ dân tập trung vào sản xuất, những ngày này, trung bình thu nhập mỗi gia đình từ 400 - 800.000 đồng/ngày. Khi hàng sản xuất ra, các chủ đại lý, siêu thị đặt hàng về tận làng nghề chở ô tô mang đi đóng gói, gắn nhãn mác. Cũng có những chủ hàng do khối lượng lớn, hoặc cần đưa hàng gấp nên họ đặt luôn cơ sở sản xuất đóng bao gói sẵn và vỏ hộp là do họ mang tới.

Những năm qua, nhiều chủ cơ sở sản xuất ở Dương Liễu đã vay ngân hàng vốn đầu tư máy móc khá hiện đại từ khâu chế biến đến sản xuất, giảm công sức lao động, nhưng đó chỉ là số ít cơ sở sản xuất lớn. Còn hàng trăm hộ gia sản xuất nhỏ vẫn phải làm thủ công, tỷ mỉ… đủ các công đoạn từ khuấy bột, tráng bánh, phơi bánh, cắt… thành từng sợi miến, tất cả đều theo “công nghệ” bằng… tay, từ già trẻ, lớn bé đều có thể tham gia làm.

Tại làng miến Dương Liễu những ngày này, miến sau khi được phơi bên lề đường, bụi bẩn, thậm chí ngay cả cống rãnh bốc mùi hôi thối cũng được tận dụng phơi miến, sau khi phơi xong chở xe bò về cắt thành từng sợi vứt xuống dưới sân gạch, nền đất, chỗ nào còn khoảng trống thì tận dụng được để miến, bánh sau đó mới phân loại và bó lại… từng bó miến đỏ, miến trắng mang đi tiêu thụ.

Khi được hỏi vì sao để miến dưới đất như vậy, chị T. - một hộ sản xuất miến ở Dương Liễu cho biết: "Nhà nào cũng làm hàng chục tấn/ngày, với lại mình có ăn đâu mà để ý đến sạch sẽ. Để bẩn “một chút” sau họ nấu chín lên ăn, vi khuẩn con nào sống sót?".

Nguy hại hơn, hầu hết các hộ ở đây đều dùng một thứ thuốc mà theo họ là sun – phít và thuốc tím để tẩy trắng miến. Tại hộ gia đình anh Nguyễn Duy Y. (thôn Dương Liễu), chúng tôi thắc mắc thì được giải thích, do nhu cầu của đại lý họ đặt hàng thế nào thì chúng tôi làm thế. Họ thích miến trắng thì chúng tôi cho hoá chất thuốc tẩy vào làm trắng miến, nếu không thích thì chúng tôi không cho hoá chất vào thì sợi miến có màu hồng. 

Mien2
Hàng trăm hộ gia sản xuất nhỏ vẫn phải làm thủ công, tỷ mỉ… đủ các công đoạn.

Theo anh Y., để làm ra miến, cho khoảng 2 thìa café hoá chất vào mỗi tấn bột và khuấy đều vào với bột, đợi khi hoá chất “ngấm” vào và làm trắng bột, sau đó mới lấy bột tráng bánh sản xuất miến. Khi nmiến đã “ngấm” hoá chất vào rồi thì có độ dẻo dai hơn so với miến không dùng hoá chất, người tiêu dùng ăn có cảm giác ngon hơn, dai hơn, chứ không bị bở, nhũn… Để phân biệt được miến có dùng hoá chất hay không thì nhìn màu sắc để phân biệt, trắng có hoá chất, hồng không dùng hoá chất.

Vào làng nghề những ngày này, còn thấy một điều là nước thải của những hộ sản xuất miến đổ tràn cả ra đường. Đi sâu vào làng, chúng tôi bắt gặp cảnh một số hộ dân làm miến trên trục đường làng, ngay trên con đường lép nhép nước bẩn, dưới cống rãnh ruồi nhặng bu đầy. Nhiều người không thể tin rằng, một món đồ ăn truyền thống trong ngày Tết lại được nhiều cơ sở sản xuất mất vệ sinh đến vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Mỗi ngày làng nghề Dương Liễu chế biến hàng trăm tấn dong riềng, thải ra môi trường 13 nghìn m3 nước thải. Ô nhiễm môi trường là vấn đề rất bức xúc của các làng nghề. Việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng hoá chất để tăng giá thành sản phẩm, ô nhiễm môi trường… đang là bài toán cần giải quyết của làng nghề Dương Liễu để phát triển bền vững, gây dựng thương hiệu uy tín trong lòng người tiêu dùng.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu