10:05 ngày 27/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngày Tết về thăm làng nghề truyền thống An Giang

| 21:29 30/12/2017

(THPL) - Trước đây, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những làng nghề truyền thống vẽ tranh trên kiếng ở huyện Chơ Mới (An Giang) lại nhộn nhịp vào mùa. Tuy nhiên hiện nay với xu hướng phát triển hiện đại, đã có nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn bắt đầu không còn ưa chuộng việc sử dụng các loại tranh kiếng (kính trong) để trang trí trong nhà, nhất là trên các bàn thờ tổ tiên, ông bà.

Ông Nguyễn Văn Kiệm, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang kể: “Hồi đó chỉ có những gia đình khá giả mới có tiền mua tranh kiếng, từ đó đội quân bán dạo tranh này trên bộ, dưới sông rất tấp nập, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán. Lại có khi người làm tranh bán “chịu” hẹn đến vài tháng sau khi thu hoạch lúa mới đến thu tiền...”.

Một số công đoạn làm tranh kiếng
Một số công đoạn làm tranh kiếng.

Nhớ lại trước đây nhà nghèo thì chọn loại tranh khổ nhỏ, màu sắc, kiểu cách đơn giản phù hợp với túi tiền; ai khấm khá hơn thì chọn những loại tranh cao cấp hơn như: Tranh màu ngũ sắc cung đình Huế, tranh thếp nhũ vàng, tranh cẩn xà cừ… với đủ kích thước lớn nhỏ, thể loại linh hoạt, đa dạng hoặc có thể đặt thợ vẽ tranh kiếng theo sở thích của mình.

Điều rất lý thú là hầu hết các loại tranh vẽ trên kiếng của đồng bằng sông Cửu Long đa số xuất hiện từ các cơ sở gia công tại các xã Long Điền B, Long Kiến, Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang); một số khác xuất hiện rất lâu đời tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

Anh Trần Quốc Việt, người đã có trên 30 năm làm nghề này tại xã Long Giang cho biết: “Hồi đó xã này “sung” lắm, có đến mấy trăm hộ hành nghề rồi đi bán khắp nơi, nhiều nhất là TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Long Xuyên... Làm ngày không xuể, làm cả ban đêm, nhất là dịp Tết, vui lắm, nhờ đó nhiều nhà có dư, cất nhà ngon lành, giờ thì chỉ làm cầm chừng để sống và giữ nghề của cha ông để lại...”.

Nhiều bậc “cao thủ” của nghề này kể thêm: Nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1950 và phát triển mạnh rất mạnh ở huyện Chợ Mới do quán tính người dân các tỉnh Nam Bộ có truyền thống thờ cúng tổ tiên, chư Phật, Bồ Tát...

Ban đầu các nghệ nhân dùng phương thức vẽ tranh lên giấy, sau thấy giấy nhanh hỏng nên vẽ lên các loại vải, lên chất liệu thiếc nhưng độ bền cũng không cao. Sau cùng họ đã nghĩ ra biện pháp tối ưu là vẽ tranh trên kiếng, lồng tranh vào khung gỗ sẽ giúp tranh có đạt được màu sắc rực rỡ và có độ bền lâu. Phương pháp thủ công xưa là phải vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó mới lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh.

Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên. Khi khoa học bắt đầu phát triển mạnh, những nghệ nhân bắt đầu áp dụng phương thức kéo lụa trên kiếng với nhiều ưu điểm vượt trội như: Nhanh, đẹp, màu sắc rực rỡ, độ tương đồng giữa các bức tranh hoàn toàn giống nhau, giá thành rẻ. Hiện nay hầu hết các cơ sở vẽ tranh trên kiếng đều thực hiện cách làm hiện đại này.

Thời kỳ thịnh đạt nhất của nghề tranh kiếng là từ năm 1995 đến 1998, lúc này huyện Chợ Mới có hơn 1.000 hộ làm nghề, thu hút hàng ngàn lao động nhàn rỗi tại địa phương và các vùng lân cận đến tham gia. Nhưng từ năm 1999 đến nay, sức tiêu thụ tranh kiếng giảm mạnh khiến nhiều người phải bỏ nghề. Đến nay, các làng nghề truyền thống chỉ còn hơn chục hộ gia đình bám trụ. Tiền làm thuê của lao động tại các cơ sở này hiện nay chỉ từ 120 đến 150.000 đồng/ngày nhưng việc làm không có thường xuyên.

Tranh kiếng thành phẩm
Tranh kiếng thành phẩm.

Phần lớn nội dung tranh vẽ trên kiếng đều dựa theo điển tích lịch sử như: Phật Thích Ca đi tu; Phật Bà Quan Âm... hay các câu chuyện cổ tích như: Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nhị thập tứ hiếu, Phạm Công – Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ… Một số người mua lại thích tranh vẽ phong cảnh, quê hương đất nước hoặc những câu đối.

Thường thì một bộ tranh kiếng có 4 khung: Một khung hoành phi phía trên, một khung lớn ở giữa, hai khung liễn đối ở hai bên. Quy trình chế tác bao gồm: Cắt kiếng, in lụa, tô màu, gắn sao nháy, phơi bản, vô khuôn gỗ và xuất xưởng. Giá bán hiện nay rất đa dạng từ 500 ngàn đến nhiều triệu đồng tùy thuộc kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc, độ dày của kiếng và độ tinh xảo của các nghệ nhân.

Ông Trần Thiện Tứ, ngụ xã Long Kiến lo lắng kể: “Nghề này được duy trì theo kiểu cha truyền, con nối, chúng tôi có qua trường lớp gì đâu, chủ yếu là học lỏm thôi. Giờ muốn giữ nghề khó quá bởi không có đầu ra sản phẩm, giờ làm tới đâu hay tới đó...”.

Có thể thấy nghề vẽ tranh trên kiếng đang đứng trước nguy cơ thất truyền nếu như không có được các biện pháp tiêu thụ, quảng bá để các sản phẩm truyền thống dân gian mang đậm bản sắc Việt có mặt trong và ngoài nước, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu