15:54 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cần làm rõ thông tin hiệu trưởng dùng bằng "đại học quốc tế ma" để giữ trong sạch cho môi trường giáo dục

13:48 03/04/2019

(THPL) - Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc, tố cáo việc ông Ngô Xuân Hà- Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô sử dụng bằng tiến sỹ của trường đại học quốc tế “ma” không được công nhận để đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng nhà trường.

Hiệu trưởng tránh mặt, Phó Hiệu trưởng vòng vo giấu diếm thông tin

Theo thông tin phản ánh ban đầu, ông Ngô Xuân Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô và chị ruột là bà Ngô Thị Kim Dung (cùng công tác tại trường) được cấp bằng tiến sỹ của trường Đại học Preston California (Mỹ) năm 2007. Ông Hà được bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng từ năm 2009 đến nay.

Trên thực tế, hiện nay trường Đại học Preston California (Mỹ) nơi Hà được cấp bằng tiến sỹ đang nằm trong danh sách 21 trường đại học “ma” đã bị vạch mặt ở Việt Nam và không được bất cứ tổ chức kiểm định giáo dục nào của Mỹ công nhận. Thông tin này do Tiến sỹ Mark A.Ashwill, Giám đốc quản lý của Capstone Việt Nam, một công ty có trụ sở tại Hà Nội chuyên về phát triển nguồn nhân lực công bố.

Để có thêm thông tin khách quan, PV của Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ với ông Hà nhưng ông không nghe điện thoại và cũng không liên hệ lại. Sau khi đến đặt lịch làm việc với bộ phận hành chính của trường thì PV cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Hà vẫn tránh mặt và cử phó hiệu trưởng Phan Thị Thanh Thảo (vợ của ông Hà-PV) tiếp và làm việc với báo chí.

PV làm việc với BGH nhà  trường.

Tại buổi làm việc này, bà Phan Thị Thanh Thảo hoàn toàn né tránh trả lời trực tiếp câu hỏi của PV. Bà Thảo chỉ trả lời chung chung kiểu “đánh đố”: Đúng là ông Ngô Xuân Hà được cấp bằng tiến sỹ của nước ngoài. Bằng tiến sỹ này được kê khai trong hồ sơ bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng Đại học Thành Đô. Hồ sơ được trình lên UBND TP Hà Nội và đã được UBND TP ký quyết định công nhận chức danh hiệu trưởng đối với ông Ngô Xuân Hà. Còn đối với những câu hỏi ông Hà học ở đâu, loại hình đào tạo gì, trong bao lâu, bằng tiến sỹ có giá trị hay không…thì đề nghị báo chí tự tìm hiểu!!!

Vì sao một người gần gũi với ông Ngô Xuân Hà là bà Phan Thị Thanh Thảo, vừa là phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô, vừa là vợ ông Hà, lại không biết chồng mình học hành lấy bằng tiến sỹ như thế nào, ở đâu? Có điều gì khuất tất ở đây mà bà Thảo phải nói vòng vo, không trả lời thẳng thắn câu hỏi: Sự thật về tấm bằng tiến sỹ của ông Ngô Xuân Hà?

Trường đại học “ma” Preston University không được Hoa Kỳ và Việt Nam công nhận

Theo một cán bộ của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD-ĐT cho biết, thông tin về 21 trường ĐH “ma” đã được đưa ra từ năm 2010. Trên thế giới, nhiều nước có các cơ sở giáo dục được cấp phép hoạt động nhưng chất lượng không được kiểm định, do đó bằng cấp không được công nhận. Vấn đề công nhận văn bằng ở nước ngoài được quy định trong Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 20/12/2007 và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ban hành ngày 15/7/2013 sửa đổi bổ sung một số điều của quyết định 77. “Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT đã quy định rất rõ, những văn bằng do nước ngoài cấp chỉ được Bộ GD-ĐT công nhận khi chương trình đó được Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Văn bằng của các trường ĐH nước ngoài chưa được kiểm định chất lượng tại nước sở tại cấp cho người Việt Nam sẽ không được công nhận tại Việt Nam, trong đó có các ĐH Quốc tế của Mỹ”.

Mặt khác, theo Trung tâm công nhận văn bằng thuộc Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và đào tạo, khi tra cứu danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong hệ thống cơ sở dữ liệu của Trung tâm (https://cnvb.wordpress.com/tai-lieu/, hoặc website https://naric.edu.vn/thong-tin-he-thong-giao-duc-cac-nuoc-tren-the-gioi.html) hoàn toàn không có tên trường Đại học Preston California!

PV tiếp tục tra cứu trong cơ sở dữ liệu của Hội đồng kiểm định giáo dục Đại học của Mỹ (https://www.chea.org) thì trường đại học Preston University cũng không hề tồn tại trong danh sách các cơ sở giáo dục đại học được công nhận của Mỹ.

Còn theo ông Vũ Ngọc Hà, chuyên viên quản lý chất lượng của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: "Có trường hợp được cấp bằng tiến sĩ giáo dục chỉ với 4 lần sang Malaysia, mỗi lần 2 ngày. Tấm bằng tiến sĩ có yếu tố quốc tế này không được Việt Nam công nhận. Cục Quản lý chất lượng cũng phát hiện không ít trường hợp đến xin được công nhận văn bằng quốc tế nhưng khi kiểm tra thông tin thì lại là bằng giả. Điều đáng lo ngại là những bằng này có thể mua dễ dàng ngay trên các chợ bán văn bằng giả online mà ai cũng có thể tiếp cận, miễn là có tiền. Nhiều trường cấp bằng đại học cho sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ nhưng lại học ở Singapore và những trường này không nằm trong danh sách các trường được Bộ GD&ĐT Hoa Kỳ cho phép giảng dạy và công nhận”.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, Huyện ủy Hoài Đức đã nhận được đơn thư phản ánh việc ông Ngô Xuân Hà sử dụng bằng tiến sỹ của trường đại học quốc tế “ma” không được công nhận để kê khai trong hồ sơ bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng, do Ủy ban kiểm tra Thành Ủy Hà Nội chuyển về.

Nếu hiệu trưởng dùng bằng tiến sỹ “ma” thì có đủ tư cách để ký công nhận tốt nghiệp cho SV?

Nếu như tấm bằng phần nào thể hiện sự hiếu học, thì sự thiếu trung thực khi kê khai hồ sơ bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng cần phải được xem như một cái tát vào tri thức!

Tiếp xúc với PV, một giảng viên của Ðại học Thành Đô bức xúc lên tiếng: “Nếu sự thật hiệu trưởng Ngô Xuân Hà kê khai bằng tiến sỹ không được công nhận để được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô thì điều đó thể hiện sự không trung thực và vi phạm Điều 22, Quy định 102 - QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm. Cần làm rõ sự thật về việc này. Tôi không thể chấp nhận việc một hiệu trưởng lại sử dụng bằng tiến sỹ “ma” để đứng đầu nhà trường và ký văn bằng tốt nghiệp cho bao nhiêu khóa sinh viên ra trường. Nếu vậy thì không công bằng với các sinh viên. Anh dùng bằng “ma” thì làm sao đủ tư cách để ký công nhận tốt nghiệp cho sinh viên học thật?”

PV của Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ làm việc với Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội…và sẽ tiếp tục đề cập nội dung này trong những bài viết tiếp theo.

Điều 22, Quy định 102 - QĐ/TW của Bộ Chính Trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm: Vi phạm về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, quy định rõ: “Vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, lý luận, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc để được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước”.

Sỹ Lam

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu