02:22 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hiệu trưởng Đại học Thành Đô bị tố dùng bằng tiến sỹ "ma": UBKT Huyện ủy Hoài Đức nói gì?

10:22 09/04/2019

(THPL) – Vừa qua, tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc, tố cáo việc ông Ngô Xuân Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô sử dụng bằng tiến sỹ của trường đại học quốc tế “ma” không được công nhận để kê khai đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng nhà trường. Sau khi xác minh thông tin về nội dung này, ông Trần Văn Nghĩa, chủ nhiệm Ủy ban kiếm tra huyện ủy Hoài Đức đã có buổi làm việc với phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật.

Như Thương hiệu và Pháp luật đã thông tin trong bài viết "Cần làm rõ thông tin hiệu trưởng dùng bằng "đại học quốc tế ma" để giữ trong sạch cho môi trường giáo dục", ông Ngô Xuân Hà - Bí thư chi bộ Đảng, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô và chị ruột là bà Ngô Thị Kim Dung (cùng công tác tại trường) được cấp bằng tiến sỹ của trường Đại học Preston California (Mỹ) năm 2007. Ông Hà được bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng từ năm 2009 đến nay.

Bằng tiến sỹ này của ông Ngô Xuân Hà được Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Hoài Đức xác nhận có kê khai trong hồ sơ.

Làm việc với PV của Thương hiệu và Pháp luật, ông Trần Văn Nghĩa, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy đã nhận được văn bản của Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội chuyển về từ giữa tháng 12/2018, yêu cầu xác minh thông tin và báo cáo trường hợp ông Ngô Xuân Hà, hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô bị tố cáo dùng bằng tiến sỹ không đúng quy định để kê khai vào hồ sơ bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng.

Ông Nghĩa cho biết, khi chuyển sinh hoạt Đảng về Huyện ủy Hoài Đức thì ông Ngô Xuân Hà đã là tiến sỹ rồi. Vừa qua, Ủy ban kiểm tra huyện ủy tiến hành làm việc với ông Ngô Xuân Hà thì được ông Hà cho biết, quá trình ông Hà đi học đầy đủ, có thời gian nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2004 sau đó học chuyển tiếp và lấy bằng tiến sỹ năm 2007 (học tại Việt Nam). Ông Ngô Xuân Hà đã kê khai bằng tiến sỹ của trường đại học Preston University (Mỹ) trong hồ sơ lưu tại Huyện ủy Hoài Đức.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, việc công bố các trường đại học quốc tế không được công nhận diễn ra vào năm 2010, trong khi ông Hà đã tốt nghiệp năm 2007, và việc công nhận bằng cấp này giá trị hay không thì thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trụ sở Huyện ủy Hoài Đức. 

Tuy nhiên, có một thực tế mà đồng chí chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy Hoài Đức có thể chưa nắm rõ, từ năm 2007, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã quy định, những văn bằng do nước ngoài cấp chỉ được Bộ GD-ĐT công nhận khi chương trình đó được Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Văn bằng của các trường ĐH nước ngoài chưa được kiểm định chất lượng tại nước sở tại sẽ không được công nhận tại Việt Nam, trong đó có các ĐH Quốc tế của Mỹ.

Còn khi tra cứu danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong hệ thống cơ sở dữ liệu của Trung tâm công nhận văn bằng thuộc Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và đào tạo, (https://cnvb.wordpress.com/tai-lieu/, hoặc website https://naric.edu.vn/thong-tin-he-thong-giao-duc-cac-nuoc-tren-the-gioi.html) hoàn toàn không có tên trường Đại học Preston University.

Là một người có học thức làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chắc hẳn ông Ngô Xuân Hà, hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô phải biết rõ Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có từ năm 2007. Thế nhưng vì sao ông Hà vẫn “cố đấm ăn xôi” sắm bằng được cho mình cái bằng tiến sỹ “mập mờ” như vậy để kê khai vào hồ sơ? Mặt khác, khi đã biết tình trạng chương trình học online cấp bằng tiến sỹ đó không được công nhận ở Việt Nam, vì sao ông Hà không chủ động xin rút lại bằng tiến sỹ “ma” và đi học lấy bằng tiến sỹ tại Việt Nam? Phải chăng ông Ngô Xuân Hà không thể rời xa cái ghế hiệu trưởng danh giá đó vài năm để đi học lại bằng tiến sỹ, như một số vị hiệu trưởng, giảng viên, lãnh đạo cơ quan…cũng từng bị phát hiện dùng bằng cấp của đại học quốc tế “ma” nhưng họ biết tự trọng nên đã chủ động xin rút bằng cấp đó khỏi hồ sơ. Những trường hợp này báo chí từng phản ánh và hiện nay vẫn có thể dễ dàng tra cứu lại thông tin.

Với việc ông Ngô Xuân Hà kiên quyết “ôm” bằng tiến sỹ “ma” để tại vị từ năm 2009 đến nay, thử hỏi, những học giả chân chính, các vị giáo sư, tiến sỹ, giảng viên…đang làm việc dưới quyền điều hành của ông Ngô Xuân Hà có tâm phục, khẩu phục? Các sinh viên trẻ của Đại học Thành Đô sẽ nghĩ thế nào về người thầy hiệu trưởng của mình?

Đại học Thành Đô

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục đề cập nội dung này trong những bài viết tiếp theo.

Đại học Thành Đô quyết "bịt" thông tin báo chí bằng cách hăm dọa người cung cấp thông tin chống tiêu cực?

Trong một diễn biến liên quan, sau khi bài báo đầu tiên của Thương hiệu và Pháp luật về nội dung này được đăng tải, ngày 3/4/2019, lãnh đạo Trường Đại học Thành Đô đã cho đăng tải lên trang web của trường một thông báo đặc biệt, với lời văn nặng cảm tính, quy kết những người cung cấp thông tin cho báo chí để phản ánh các dấu hiệu sai phạm, tiêu cực tại ngôi trường này là "vu khống", "chống phá sự phát triển của trường" và ngang ngược hơn, Trường Đại học Thành Đô hăm dọa sẽ phối hợp với công an để "xử lý" những người cung cấp thông tin này.

Ảnh chụp màn hình thông báo "hăm dọa" của trường ĐH Thành Đô trước khi bị gỡ bỏ
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 giờ đăng tải, Trường Đại học Thành Đô đã vội vã gỡ bỏ ngay thông báo "hăm dọa" này khỏi trang web của nhà trường./.

Sỹ Lam

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu