20:55 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hệ sinh thái tạo nên “thương hiệu đầy bí ẩn” mang tên Alphanam

15:55 09/12/2020

(THPL) - Tập đoàn Alphanam và đại gia Nguyễn Tuấn Hải là cái tên không mấy xa lạ trong giới đầu tư, kinh doanh. Thoạt nhìn, Tập đoàn cùng “hệ sinh thái” đã tạo nhiều dấu ấn tại các tỉnh/thành với các đề án, dự án có quy mô “cực khủng”. Nhưng kỳ thực, đằng sau mỗi dự án là những “kịch bản” nhuốm màu bí ẩn và rất ít người am tường!

Cuộc “bẻ lái” ngoạn mục

Ở chặng đường dăm năm trước, Alphanam đã phải hủy niêm yết cổ phiếu ALP, lúc này doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 500 tỷ đồng và cuối năm 2016 khoản lỗ này lên đến 657 tỷ đồng.

Bước sang năm 2017, Alphanam đã thu được lợi nhuận dương, kết thúc 5 năm báo lỗ liên tiếp (từ năm 2012 đến năm 2016). Lợi nhuận sau thuế thu nhập quý I/2019 của Alphanam là 13,8 tỉ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2018. Hàng tồn kho tính tới hết quý I/2019 là 235,9 tỉ đồng, giá trị bất động sản đầu tư là hơn 66,8 tỉ đồng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang là gần 1.233,6 tỉ đồng.

Đến thời điểm này, tài sản chính của Alphanam là các khoản đầu tư vào các công ty con và công ty liên doanh được ghi nhận tổng giá trị khoảng 2.094 tỉ đồng. Trong đó có các công ty thành viên hoặc liên kết như Công ty CP Địa ốc Foodinco, Công ty Địa ốc Foodinco Quy Nhơn, Công ty CP Đầu tư Công viên văn hóa thể thao du lịch và đô thị hồ Thác Bà, Công ty Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa, Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á,…

Phối cảnh khu sinh thái Mường Hoa. Ảnh Báo Lào Cai

Cũng nói thêm rằng, Alphanam liên tục đánh dấu sự xuất hiện của mình tại hàng loạt dự án bất động sản ở nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam, như ở Đã Nẵng có Luxury Apartment, Diamond Tower, Golden Square tại Đà Nẵng; Ở Hà Nội có Alphanam Red Star Apartment, Xuân Phương - Alphanam Village, Alphanam New Park City Trung Hưng - Sơn Tây, Bình Minh-Cao Viên Alphanam Newlife City hay Khu đô thị  Hanel – Alphanam; rồi Lào Cai, Yên Bái,...

Nhìn lại các dấu ấn có thể thấy, giữa năm 2019, dự án “Altara Residences Quy Nhơn” do Công ty CP Foodinco Quy Nhơn (thành viên của Alphanam) làm chủ đầu tư cũng chính thức chào sàn và thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường;

Cùng với đó, dự án “Khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà” do Công ty CP Đầu tư Công viên văn hóa thể thao du lịch và đô thị hồ Thác Bà đã được tỉnh Yên Bái ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư 4.980 tỉ đồng, quy mô hơn 2.594 ha, là một trong những dự án có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất nhì Yên Bái;

Còn tại Lai Châu, tháng 4/2019, ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đã xin ý kiến với lãnh đạo tỉnh để được khảo sát, đầu tư khách sạn 4 sao mang thương hiệu quốc tế từ 150 - 180 phòng nghỉ dưỡng và cũng nhận được cam kết từ tỉnh này;

Ấn tượng hơn cả là dự án “Khu đô thị sinh thái Mường Hoa, Sa Pa” do Liên danh Công ty CP Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á (đều thuộc “hệ sinh thái” của Alphanam) làm nhà đầu tư. Cũng nói thêm là, Công ty CP Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa được thành lập ngày 16/3/2017 với vốn điều lệ là 790 tỉ đồng, cổ đông lớn nhất là Alphanam góp 553 tỉ đồng (70% vốn điều lệ), bà Đỗ Thị Minh Anh, ông Nguyễn Minh Nhật, ông Nguyễn Ngọc Mỹ đăng ký góp 79 tỉ đồng (10% vốn điều lệ); Còn Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á được thành lập ngày 6/5/2005, vốn điều lệ hiện là 180 tỉ đồng, do ông Bùi Đình Quý là Tổng Giám đốc (ông Bùi Đình Quý cũng là thành viên Ban Kiểm soát của Alphanam), có địa chỉ tại KCN Phố Nối A, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Hé lộ “kịch bản”

“Ẵm” nhiều dự án “khủng”, song năng lực thực sự của Alphanam cùng “hệ sinh thái” như thế nào? “Kịch bản” tiếp cận dự án của nhà đầu tư này ra sao? - nội dung này sẽ được thông tin ở kỳ sau! Còn trước hết xin nói về dự án “Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, căn hộ nhà ở để bán” tại 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Dự án này được ông Nguyễn Đức Chung ký cả quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư và quyết định thu hồi một phần dự án khác giao cho Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào (từng thuộc “hệ sinh thái” của Alphanam, và cá nhân ông Nguyễn Tuấn Hải có 0,1% CP).

Phối cảnh dự án 108 Nguyễn Trãi 

Về nguồn gốc đất dự án “Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, căn hộ nhà ở để bán” – King Palace, trước đây Công ty CP Dụng cụ số 1 thuê khu đất làm trụ sở và xưởng sản xuất. Năm 2006, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP Dụng cụ số 1 liên danh với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội lập dự án đầu tư.

Ngày 25/10/2010, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5256/QĐ-UBND thu hồi 18.531m2 đất tại 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để thực hiện dự án; Ngày 23/10/2015, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 7525/UBND-TNMT chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào; Ngày 10/6/2017, ông Nguyễn Đức Chung ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; Ngày 4/8/2017, ông Chung tiếp tục ký Quyết định số 5217/QĐ-UBND về việc thu hồi 6.973m2 đất tại 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội giao cho Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào thực hiện dự án. Như vậy, điều đáng nói nữa là, vì sao “khu đất vàng” này lại không được đấu giá?

Còn ở một diễn biến khác, ngày 04/9/2018, Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 1468/KL-TTCP trong đó có liên quan đến dự án “Khu hỗn hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán” tại 108 Nguyễn Trãi. Các sai phạm được Thanh tra Chính phủ kết luận như, liên quan đến việc chuyển nhượng vốn của Công ty cổ phần Dụng cụ số 1 và việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào, Công ty CP Dụng cụ số 1 chuyển nhượng phần vốn góp và nhận hỗ trợ với giá trị là 127,531 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí hỗ trợ di dời, hỗ trợ ngừng việc, thanh toán chế độ cho cán bộ nhân viên, doanh thu chịu thuế là 92,560 tỷ đồng nhưng không kê khai. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng không tiến hành kiểm tra, đôn đốc thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Đoàn thanh tra tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 20,363 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo Kết luận, Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào nhận chuyển nhượng một phần dự án từ Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Ngày 10/6/2017, UBND TP Hà Nội có quyết định điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó công ty được gia hạn tiến độ thực hiện dự án, nhưng cơ quan chức năng chưa xác định và thu tiền chậm tiến độ theo quy định của Chính phủ.

Có thể thấy, Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào nhận chuyển nhượng 6.973m2 với chi phí 127,531 tỷ đồng, tương đương khoảng 18 triệu đồng/m2. Và ngân sách nhà nước chỉ thu được qua thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty CP Dụng cụ số 1 số tiền 20,363 tỷ đồng.

Theo một tài liệu hiện có, ngày 25/04/2017, dự án này được Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào thế chấp tại ngân hàng, tài sản đảm bảo là 20.000.000 cổ phần của Công ty cùng toàn bộ quyền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng mua bán sản phẩm của dự án, tổng hạn mức tín dụng là 350 tỷ đồng.

Nói thêm về Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào, doanh nghiệp này có 21.000.000 cổ phần, trị giá 210 tỷ đồng. Về tỷ lệ sở hữu, ông Nguyễn Tuấn Hải chiếm 20.000 cổ phần, Alphanam chiếm 10.980.000 cổ phần, Công ty TNHH Hoàng Tử chiếm 9.000.000 cổ phần (Công ty TNHH Hoàng Tử do nhóm cá nhân ông Nguyễn Văn Hùng, ông Cao Văn Túy và 02 người thân là bà Đặng Thị Lợi và Nguyễn Kim Hoa góp vốn thành lập, các cá nhân này là những cổ đông sáng lập Công ty CP Tập đoàn PICENZA Việt Nam (PICENZA).

Trở lại vấn đề thế chấp, ở thời điểm đó, dự án vẫn chưa được ông Nguyễn Đức Chung ký điều chỉnh chủ trương đầu tư (ngày 10/6/2017), chưa được thu hồi một phần dự án của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (ngày 4/8/2017). Khi pháp lý dự án tạm ổn, Alphanam đã thoái vốn hoàn toàn tại Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào (tháng 01/2018), cá nhân ông Nguyễn Tuấn Hải cũng chỉ còn sở hữu 0,1% cổ phần. Cổ đông còn lại là Công ty TNHH Hoàng Tử vẫn tiếp tục sở hữu tới 45% cổ phần tại Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào.

Tháng 6/2020, Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào đã tất toán toàn bộ khoản nợ này. Ngay sau đó, Công ty TNHH Hoàng Tử đã mang 9.000.000 cổ phần của mình tiếp tục thế chấp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải theo Hợp đồng số 506/2020/BĐ/HT ngày 05/06/2020 (!?).

Quá trình “lướt sóng”, thực hiện dự án “Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, căn hộ nhà ở để bán – King Palace” của doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải còn những “góc khuất” nào? Thương hiệu và Pháp luật tiếp tục thông tin tới bạn đọc ở kỳ sau!

HUÊ MINH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu