14:34 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hậu điều chỉnh luồng tuyến xe khách: Bến Mỹ Đình lâm cảnh "đìu hiu"

| 20:09 03/03/2017

(THPL) – Không chỉ những nhà xe chạy tuyến Nam Định – Hà Nội, Thái Bình – Hà Nội, Thanh Hóa – Hà Nội thuộc diện điều chuyển về bến xe Nước Ngầm đứng trước nguy cơ phá sản, chính những nhà xe ở lại bến Mỹ Đình cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Bến xe Mỹ Đình vắng vẻ sau khi thực hiện điều chỉnh luồng tuyến

Các xe ở lại bến Mỹ Đình chỉ hoạt động cầm chừng

Bắt đầu từ 2/1/2017, Hà Nội chính thức thực hiện việc điều chỉnh luồng tuyến xe khách. Thế nhưng sau 2 tháng thực hiện, các nhà xe thuộc diện điều chuyển đều đang đứng trước  nguy cơ phá sản.

Trong buổi họp vào chiều ngày 1/3 tại Sở GTVT, Bộ GTVT cùng UBND thành phố Hà Nội trực tiếp đối thoại với những nhà xe chạy tuyến Nam Định – Hà Nội, Thái Bình – Hà Nội, Thanh Hóa – Hà Nội. Trong buổi đối thoại căng thẳng này, các nhà xe đang nêu lên những bất cập sau khi thực hiện việc điều chỉnh luồng tuyến. Đặc biệt, tất cả các nhà xe đều kêu lỗ, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, các nhà xe chỉ còn cách tuyên bố phá sản và nhờ Sở GTVT mua lại các xe khách.

Cũng ngay trong buổi đối thoại, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội đã cùng doanh nghiệp bàn bạc để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng có môt thực trạng đang diễn ra là không chỉ các nhà xe nằm trong diện điều chỉnh gặp khó khăn, mà chính những nhà xe ở lại bến Mỹ Đình cũng đang trong tình trạng tương tự.

Lượng khách đi xe giảm khoảng 50-60% so với trước khi thực hiện điều chuyển

Chia sẻ với PV vào sáng 3/3, người đại diện của nhà xe Bắc Sơn chuyên tuyến Sơn La - Hà Nội nói: “Sau khi thực hiện điều chuyển luồng tuyến, mặc dù nhà xe không nằm trong diện điều chuyển nhưng lượng khách đi xe đã giảm hẳn, ngày thường có khi chỉ có chục khách trong khi cả xe là 40 chỗ”.

Tài xế xe khách Trung Mắm chạy tuyến Yên Bái - Hà Nội cho biết: "Sau điều chuyển luồng tuyến, lượng khách đi xe giảm khoảng 50-60%. Tiền thu vé xe chỉ đủ chi trả chi phí. Hiện chúng tôi vẫn phải chạy mà chưa biết phải làm sao".

Tình trạng ế khách cũng đang xảy ra với nhiều nhà xe tuyến các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang...

Lý giải nguyên nhân nhà xe vắng khách

Trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình xác nhận hiện trạng trên là đúng. Từ khi thực hiện việc điều chỉnh luồng tuyến, các nhà xe ở lại đều ế khách, chỉ dám hoạt động cầm chừng.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm: “Sau khi thực hiện điều chuyển, lượng khách của những xe không thuộc diện điều chuyển cũng giảm khoảng 50%. Trước đây, ngày thường phương tiện xuất bến đạt tỷ lệ khách trên xe khoảng 80% nhưng nay chỉ còn 50%. Ví dụ trước đây xe 29 chỗ dịp cuối tuần đều kín ghế, nếu khách nào đến chậm phải đi chuyến sau nhưng hiện nay chỉ có khoảng 10-15 khách".

Khác hẳn với cảnh tượng trước đây, quầy bán vé tại bến xe Mỹ Đình rất vắng vẻ

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Tuấn lý giải: “Bến xe Mỹ Đình là nơi kết nối của các tỉnh phía Nam đi Tây Bắc, chính vì thế lượng khách của các nhà xe tại bến đều được kết nối với nhau. Sau khi điều chỉnh những nhà xe của các tỉnh phía Nam, đơn cử như nhà xe chạy tuyến Nam Định – Hà Nội, Thái Bình – Hà Nội, Thanh Hóa – Hà Nội được điều chỉnh khỏi bến, điều đó dẫn đến hệ lụy ế khách của các nhà xe đi Tây Bắc”.

Trước đây, hành khách quê Nam Định, Thái Bình thường lên bến Mỹ Đình rồi bắt xe đi các tỉnh Sơn La, Lai Châu... và ngược lại. Tuy nhiên, sau điều chuyển, hành khách không thể lên Mỹ Đình dẫn đến các nhà xe tuyến Tây Bắc rơi vào tình trạng ế khách. Không có xe lên Mỹ Đình, hành khách đã chọn các phương thức khác như đi tàu, hoặc đi xe trực tiếp từ Thái Bình lên Sơn La chứ không qua Hà Nội. 

Ông Tuấn cũng thừa nhận việc xe dù, bến cóc được "dịp" này cũng hoat động rất mạnh. Trước đây, khi chưa có lệnh điều chuyển, xe dù bến cóc vẫn có "đường" sống, bây giờ điều chuyển, vấn đề đó lại càng phức tạp hơn - Ông Tuấn chia sẻ với PV

Theo ghi nhận của PV, không chỉ lượng khách của các nhà xe giảm, mà những dịch vụ “ăn theo” như taxi, xe ôm, thậm chí là dịch vụ ăn uống và trông giữ xe cũng bị giảm doanh thu rõ rệt.

 Thùy Linh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu