10:00 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Tĩnh: Long trọng tổ chức Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương

19:01 10/04/2022

(THPL) - Nhân ngày lễ trọng đại của cả nước, sáng nay 10/4, tức ngày 10/3 âm lịch, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với UBND TX Hồng Lĩnh long trọng tổ chức Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đại Hùng ở phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh. Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương thu hút đông đảo hàng vạn người dân địa phương và các vùng lân cận tham gia để tưởng nhớ công lao của các vị Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Pano tuyên truyền ngày đại lễ. Ảnh: TTVH

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Từ xa xư, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Đại biểu và Nhân dân dự Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2022. Ảnh: QL 

Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).

Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:

- “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hoá - Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

- “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

- “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc trong chương trình đại lễ: Ảnh: QL

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước

Kinh đô trên đỉnh non Hồng!

Chùa Đại Hùng là một trong 417 di tích có thờ cúng các vua Hùng trên cả nước và là điểm thờ Thủy Tổ  Kinh Dương Vương và các Vua Hùng duy nhất có trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An. Hồng Lĩnh (còn gọi là Ngàn Hống) - vùng đất được xem là địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình, là nơi giang sơn tụ khí.

Những bí tích về Kinh Dương Vương (vị vua khai sáng ra Triều Hùng) thuở khai sơn, lập địa, dựng đô đã biến nơi đây trở thành không gian đặc biệt với những huyền thoại linh thiêng, huyền bí. 

Những năm gần đây, Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương ở Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (chùa Đại Hùng, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã thu hút hàng chục nghìn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh về tham gia. Những nét đặc sắc của Lễ giỗ Quốc tổ trên đất thiêng Ngàn Hống đã để lại dấu ấn tốt đẹp, góp phần vun đắp, khơi dậy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.

Hồng Lĩnh (còn gọi là Ngàn Hống) - vùng đất được xem là địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình, là nơi giang sơn tụ khí. Những bí tích về Kinh Dương Vương (vị vua khai sáng ra Triều Hùng) thuở khai sơn, lập địa, dựng đô đã biến nơi đây trở thành không gian đặc biệt với những huyền thoại linh thiêng, huyền bí. 

Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Huy Hùng chủ tế đại lễ. Ảnh: QL 

Tương truyền, từ buổi đầu dựng nước, phải tìm đất định đô, Kinh Dương Vương đã hướng vào vùng danh thắng núi Hồng này. Đứng trên cao nhìn xuống vua thấy ở đây núi dăng nên lũy, khe chảy thành hào, non đủ cao, sông đủ sâu, đồng điền đủ rộng. Khả dĩ con người có thể tự làm lụng để nuôi sống lâu dài. Phóng tầm mắt ra xa muôn trùng sóng cả, núi non địa bàn hiểm trở, tiến có thế công, thoái có thế thủ, đây là lợi thế bậc nhất cho một vương triều mới sơ khai định đô. Với tầm nhìn bao quát càn khôn đó, Kinh Dương Vương đã chọn dựng Hoàng thành trên đất Ngàn Hống. Sau một thời gian, để nới rộng cơ nghiệp, Kinh Dương Vương đã dời đô ra vùng núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ ngày nay) và cử Long Vương ra trấn giữ kinh thành, từ đó Ngàn Hống không còn là kinh đô của đất nước, nhưng dấu tích về một thiên truyện thần kỳ trên dãy núi Hồng 99 ngọn vẫn còn sống mãi với non sông.

Lịch sử cũng ghi lại, chùa Đại Hùng là 1 trong 4 ngôi cổ tự bao gồm (Thiên Tượng, Long Đàm, Đại Hùng, Cực Lạc), được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần. Trải qua hàng trăm năm với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự biến động của lịch sử, các hạng mục dần dần mai một, tàn phế. Song với ý thức tâm linh, với tinh thần khôi phục, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, chính quyền địa phương phường Đậu Liêu đã cùng với các tín đồ phật tử khắp nơi ủng hộ, đóng góp công sức, kinh phí khôi phục, tôn tạo, xây dựng chùa trở nên khang trang, bề thế như ngày hôm nay. 

Lãnh đạo các cấp ngành và nhân dân tại lễ dâng hương trước linh vị, các vật phẩm cúng tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương cùng các Vua Hùng tại Khu di tích Đại Hùng. Ảnh: QL
Chùa Đại Hùng có nét khác biệt so với những ngôi chùa khác trên địa bàn Hà Tĩnh là chùa không chỉ là nơi để các phật tử dâng hương niệm phật mà hàng năm cứ đến dịp Giổ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), bà con trong vùng và các vùng phụ cận của các huyện như Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân và tỉnh Nghệ An cùng đến dâng hương để tưởng niệm vị Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Chùa Đại Hùng là một trong 1.417 di tích có thờ cúng các vua Hùng trên cả nước và là điểm thờ Thủy Tổ và các Vua Hùng duy nhất có trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Tôn Quang Ngọc, ban đầu Chùa Đại Hùng chỉ được xem là một thiết chế của phật giáo, song sự cộng hưởng từ huyền sử Kinh Dương Vương định đô trên dãy Hồng Lĩnh và với quan niệm “đất của vua, chùa của làng”, người dân nơi đây đã gắn tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên với đạo phật. Đó cũng chính là nét độc đáo, là sự khẳng định giáo lý nhà phật có nhiều điểm tương đồng đối với văn hóa Việt Nam.

“Những hoạt động tâm linh, tình cảm của người dân nơi đây đối với vị Thủy tổ Kinh dương Vương và các Vua Hùng luôn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, vượt cả không gian và thời gian” - ông Tôn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Khát vọng nơi đầu non Hồng Lĩnh tỏa sáng!

Mỗi khi bước vào đầu tháng 3 âm lịch, người dân địa phương lại háo hức, khí thế, mong chờ đến ngày lễ trọng đại của địa phương. Ông Phan Việt, người dân phường Đậu Liêu hồ hởi cho hay, ngay cả khi phường không phát động, người dân cũng tự nguyện tập trung về Khu di tích Đại Hùng dọn dẹp, sơn quét vôi ve, tu sửa các hạng mục thờ tự để chuẩn bị cho ngày dâng tế. “Từ ngày mồng 5 cho đến đúng ngày 10 tháng 3 âm lịch, mỗi ngày khu di tích đều đón hàng trăm lượt người từ các huyện, tỉnh bạn đến dâng hương, đặc biệt là ngày giỗ chính thức có khi lên đến hàng chục nghìn người” – Ông Phan Việt  cho biết thêm.

Tại lễ giỗ, bằng tất cả lòng thành kính, người dân lựa chọn, chuẩn bị những sản vật nông nghiệp như bánh chưng, bánh tét, hoa, quả… để dâng tế. Các loại bánh dâng tế đều chay tịnh. Là chốn thiền môn thờ phật song không chỉ có các thiện nam, tín nữ theo đạo phật, mà bà con không theo đạo cũng đều tới đây để dự lễ giỗ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng để dâng nén tâm hương hướng về cuội nguồn dân tộc, hướng về đất tổ với tất cả tấm lòng tri ân sâu sắc nhất.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Ban Đại diện Phật giáo thị xã Hồng Lĩnh thành lập thì việc điều hành chính lễ đều do các vị đại đức hướng dẫn. Ngoài niệm phật cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa thì buổi lễ chính còn có nghi lễ cúng dân gian của các cụ hội viên hội người cao tuổi đảm nhận. Trong đó, bài văn tế ca ngợi công lao dựng nước của vị Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc vua Hùng luôn được các bậc túc nho trong vùng soạn thảo với lời văn trau chuốt, thể hiện sự trân trọng, tri ân đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Phần hội có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…

“Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương không chỉ thu hút đông đảo bà con bản địa mà du khách thập phương đều tề tựu về đây dự lễ, trở thành ngày hội lớn của địa phương. Đặc biệt, kể từ khi địa phương đã đưa hội thi gói bánh chưng vào phần hội chính, lễ giỗ trở nên đặc sắc hơn” – Ông Nguyễn Quang Long.Phó giám đốc TT VH TT Tx Hồng Lĩnh phấn khởi cho biết.

Năm nay, Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập thị xã Hồng Lĩnh. Để tổ chức lễ giỗ trang trọng hơn, Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương năm 2022 đã được tổ chức với quy mô cấp tỉnh.Nhằm thể hiện bảo tồn các giá trị văn hóa và truyền thống. "Uống nước nhớ Nguồn " và thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên của dân tộc Việt nam. 

Đến với Khu di tích Đại Hùng đền thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương vào những dịp như thế này không chỉ vun đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà lễ giỗ thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, gắn kết cộng đồng dân cư với nhau. Ngoài ra, sự kiện này còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của địa phương. “Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ thị ủy về việc “phát triển văn hóa du lịch tâm linh” đã thể hiện quyết tâm đưa Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương trở thành điểm nhấn phát triển du lịch tâm linh, huy động mọi nguồn lực để xã hội hóa, đưa nét văn hóa đặc sắc này phát triển lên tầm cao mới”. Lễ giổ Quốc tổ Hùng Vương năm nay là dịp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam – Ông Nguyễn Quang Long Phó giám đốc TT VH TT Tx Hồng Lĩnh nhấn mạnh.                                                                                                                                                                  Đình Hiếu – Trần Dũng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu