15:18 ngày 18/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Tạm giữ hơn 2,3 tấn bìa và ruột sách có dấu hiệu in lậu

08:42 15/07/2020

(THPL) – Hơn 2,3 tấn bìa và ruột sách có dấu hiệu in lậu vừa bị lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện, tạm giữ

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường công tác phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với hoạt động in ấn, phát hành, lưu thông xuất bản phẩm, sách giáo khoa chuẩn bị phục vụ năm học mới 2020-2021, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã nhanh chóng kiểm tra, rà soát và bước đầu đã có kết quả.

Ngày 13/7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng Nghiệp vụ 3, Cục Nghiệp vụ QLTT, tổ 304 thuộc Tổng cục QLTT tiến hành kiểm tra Công ty CP dịch vụ Chính Nghĩa, do bà Nguyễn Thị Hữu làm Giám đốc tại địa chỉ A2-6 TT Bảo tàng hậu cần, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật. 

Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý Thị trường phát hiện trong xưởng của công ty có 1.033 kg bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ngoài số hàng bên trong xưởng của Công ty, lực lượng QLTT còn phát hiện bên ngoài xưởng Công ty có 1.245 kg bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Toàn bộ số sách bán thành phẩm là bìa và ruột sách bà Hữu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và cũng không có hợp đồng kèm theo của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Dây chuyền in ấn tại hiện trường. 

Trình bày với cơ quan chức năng, bà Hữu cho biết, số sách bán thành phẩm là bìa và ruột sách bên ngoài xưởng có số lượng 1.245 kg là ông Dũng gọi điện xin gửi nhờ, trong khi bà Hữu chưa đồng ý và để xem xét thì ông Dũng vẫn chở đến và để ngoài xưởng.

Kết quả, lực lượng QLTT đã phát hiện, tạm giữ 2.278 kg bìa và ruột sách bán thành phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu. Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng phối hợp làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định.

Ấn phẩm thu giữ tại hiện trường. 

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Phú Hưng Phát, địa chỉ số 87 ngõ 1141 Giải Phóng, quận Hoàng Mai phát hiện, tạm giữ số xuất bản phẩm gồm 27.200 cuốn sách giáo khoa các loại chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng phối hợp làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định.

Sách giả, sách lậu là hiện đang là vấn nạn ở Việt Nam. Bởi lẽ, tuy việc in ấn sách lậu mang lại lợi nhuận khổng lồ nhưng hầu hết các hình phạt với hành vi làm và tiêu thụ sách lậu chỉ là xử phạt hành chính chứ rất hiếm xử lý hình sự.

Chia sẻ tại cuộc Hội thảo Chống Xuất bản phẩm lậu do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp đồng tổ chức hồi năm 2019, đại diện của các nhà xuất bản tham dự đều đồng nhất ý kiến rằng, việc xử phạt hành vi làm và tiêu thụ sách lậu ở Việt Nam tồn tại nhiều nghịch lý “cười ra nước mắt”.

Đơn cử, trong khi lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng hành vi in lậu chỉ bị phạt 30-40 triệu đồng; còn hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Ngoài ra, đơn vị có sách bị in lậu rất khó khăn khi tiến hành việc kiện đơn vị làm giả, làm lậu sách, thậm chí có trường hợp đơn vị có ấn phẩm bị in lậu lại thua kiện, chịu phán quyết buộc nộp án phí...

Đây chính là nguyên do quan trọng khiến cho tình trạng sách lậu ngang nhiên, kéo dài.

Minh Khuê

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu