05:49 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Có thể hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động không thiết yếu theo cấp độ dịch

18:00 06/12/2021

(THPL) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "4 tại chỗ".

Theo tin từ UBND TP.Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trong những ngày gần đây với số lượng mắc mới ngoài cộng đồng tiếp tục tăng cao, UBND TP đề nghị UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Khẩn trương triển khai Trạm Y tế lưu động để thu dung, cách ly, quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại các cơ sở thu dung của quận, huyện, thị xã; thực hiện theo Hướng dẫn của Thành phố, Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế về việc "Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19" và Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà", Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng, xử trí, cách ly, điều trị.

Thành lập "Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà" để hỗ trợ cho các Trạm Y tế lưu động gồm các lực lượng tình nguyện của phụ nữ, Đoàn Thanh niên, sinh viên, giáo viên... (tuổi dưới 50, đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19) thực hiện nhiệm vụ: Tiếp nhận thông tin từ người nhiễm COVID-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm Y tế lưu động và các nhiệm vụ khác được giao. Lực lượng này được hưởng các chế độ phòng, chống dịch theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương theo phương châm "4 tại chỗ".

Hà Nội có thể hạn chế/tạm dừng hoạt động không thiết yếu theo cấp độ dịch. Ảnh minh họa

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn cho "Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà" để theo dõi sức khỏe cho người nhiễm COVID-19 tại nhà; Sở Y tế phân công các bệnh viện trên địa bàn chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn cho các Trạm Y tế lưu động.

Theo báo Dân trí, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc cách ly tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1) theo hướng dẫn của thành phố và theo Công văn số 5599/BYT-MT của Bộ Y tế.

Đặc biệt, các địa phương cũng căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT để đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ.

Biện pháp hành chính phù hợp bao gồm cả việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tùy theo cấp độ dịch (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...).

Nhiều ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận kỷ lục ca COVID-19, điển hình ngày 4/12 với 628 ca (trong đó 190 ca cộng đồng).

Liên quan đến thông tin trên, theo Kenh14.vn, ngày 30/11, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, việc F0 gia tăng đột biến đều nằm trong kịch bản của Hà Nội. Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch ứng phó với 100.000 ca mắc COVID-19, tăng cường năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, từ khoanh vùng, điều tra, truy vết đến điều trị các tuyến. Đặc biệt thành phố cần tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở, vì chủ yếu người bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Một lần nữa, bà Hà nhấn mạnh, với tốc độ lây lan của virus như hiện nay cũng như việc nhiều F0 trong cộng đồng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và người dân.

Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có tổng 13.172 ca dương tính, trong đó 5.212 ca ngoài cộng đồng và 7.960 người đã được cách ly. Hà Nội đánh giá dịch diễn biến phức tạp, trong đó nhiều chùm ca bệnh tại các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp, từ các hoạt động tại chợ dân sinh, đám hiếu, hỷ, việc tụ tập ăn uống, các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người. 

Thành phố khuyến cáo người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi khi chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều cần hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Theo đánh giá cấp độ dịch tính đến ngày 3/12, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2, tức màu vàng, nguy cơ trung bình.

- 7 quận, huyện ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới), giảm 12 địa phương so với lần công bố ngày 26/11. Các "vùng xanh" gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ứng Hoà và thị xã Sơn Tây.

- 23 quận, huyện còn lại ở cấp độ 2.

- 523 xã, phường cấp độ 1 (giảm 12 địa phương).

- 53 xã phường cấp độ 2 (tăng 11 địa phương).

- 3 xã, phường cấp độ 3, tức màu cam, nguy cơ cao (tăng 1 địa phương), gồm: phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng), phường Khâm Thiên (quận Đống Đa), phường Trung Phụng (quận Đống Đa).

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu