06:04 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giữ hồn quê từ nghề truyền thống nón lá làng Chuông

Huyền Chi | 09:36 27/07/2021

(THPL) - Không chỉ nổi tiếng là ngôi làng cổ, làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) còn được biết đến với nghề làm nón truyền thống. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nón làng Chuông vẫn có tiếng vì bền và đẹp. Và những người nghệ nhân của ngôi làng này vẫn luôn tin rằng, nghề được cha ông truyền lại dù có thể hư hao theo thời gian nhưng nhất định không bao giờ mất đi.

Cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km, làng Chuông là ngôi làng có nghề làm nón nổi tiếng nhất xứ Bắc còn được lưu giữ đến ngày nay. Nón lá làng Chuông đã đi vào ca dao của Việt Nam bởi vẻ đẹp duyên dáng cũng như độ bền chắc của nón Chuông khó có nơi nào bì kịp.

Theo các cụ cao niên kể lại rằng: Nghề làm nón ở đây đã có đến hơn 300 năm lịch sử nhưng xuất phát từ đâu thì người làng hiện giờ không ai biết. Đặc biệt, những chiếc nón trắng đặc trưng của làng Chuông từ thời phong kiến đã từng được tiến cung dâng hoàng hậu, công chúa trong cung cấm.

Theo lịch sử ghi lại thì ông Hai Cát là người có công mang nón Xuân Kiều (còn gọi là nón Ba Đồn) về làng sản xuất thay thế cho các loại nón trước đó của làng. Năm 1930, ở hội chợ Trường Đấu Xảo - Hà Đông, nón của ông Hai Cát đã được đánh giá rất cao và chính quyền sở tại đã cấp giấy hành nghề, Hiệp hội Hàng nón chứng nhận chất lượng cao và ông được cấp giấy phép dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Cũng phải nói thêm, tên gọi Xuân Kiều gợi hình ảnh cô gái đội nón đẹp như mùa xuân tỏa nắng, cũng gọi là Thanh bởi dáng nón thanh thoát, nhẹ nhàng.

Nghề làm nón làng Chuông có lịch sử hơn 300 năm 
Giá một chiếc nón lá trên thị trường dao động từ 30 - 40 nghìn đồng, còn nón lụa cách tân khoảng từ 150 - 200 nghìn/chiếc

Hỏi thăm các nghệ nhân trong làng, chúng tôi được biết: Nguyên liệu làm nón gồm có: Lá với 2 loại chính là lá lụi và lá cọ; Mo nang với 2 loại mo tre và mo nứa (đặt giữa hai lớp lá, có tác dụng làm cho nón chắc, kín và bền hơn); Móc, dứa và cước (dùng để khâu nón); Liếc (làm từ cây liếc hay còn gọi cây lồng bông, được tách riêng vỏ và guột, có tác dụng làm cho cạp nón cứng hơn); Sợi luồn nhôi (sợi khâu hình đuôi cá hay hình nơ để buộc quai nón); Vòng nón (16 vòng được làm từ tre hoặc nứa, kích thước nhỏ dần từ vành lên đỉnh nón); Giấy vẽ trang trí trên nón…

Dụng cụ làm nón gồm có: Khuôn nón (tạo ra dáng nón thanh thoát - nón tốt nhờ khuôn); Dao (để cắt vòng, gọt mo, lá); Kéo (cắt lá, cắt chỉ); Kim khâu (có nhiều kích thước, hình dáng, nhiều chức năng); Bàn là lá (làm phẳng lá); Lò hun lá, nón (cho lá và nón có màu trắng đẹp, chống mối mọt); Lò sấy lá (sấy khô lá trong mùa mưa).

Để chuẩn bị cho việc làm nón thì công đoạn sơ chế lá rất quan trọng. Lá mới được mua về phải qua nhiều công đoạn mới có được màu trắng, gồm: Phơi lá (phơi nắng lần 1, ngâm nước 3h, phơi nắng lần 2 rồi cho lá phơi sương buổi đêm cho mềm); Vò lá (vò lá tươi qua cát để hút bớt nước cho lá khô khỏi thối và có màu trắng); Hun lá (lá phơi xong được đem hun trong lò hun, sau đó thả ra ngoài không khí cho hả hơi rồi phơi sương cho mềm, mịn, dễ lợp).

Muốn làm nón đẹp người thợ làm nón phải trực tiếp chọn từng xâu lá, đoạn vòng, sợi cước thật vừa ý. Mỗi loại vật liệu lại có những tiêu chuẩn khác nhau. Các vật liệu trên khi đưa vào làm nón phải qua một số khâu nữa như: Rẽ lá (từ trên ngọn xuống cuống cho lá thẳng); Là lá (cho lá phẳng và trắng hơn); Bứt vòng (nối hai đầu sợi vòng nón lại với nhau theo kích cỡ đã định); Quay nón (lợp nón, chằm nón); Thắt nón (khâu nón); Nức nón (che phần chân lá ở cạp nón); Luồn nhôi (tạo điểm để buộc quai nón)…

Muốn làm nón đẹp người thợ làm nón phải trực tiếp chọn từng xâu lá, đoạn vòng, sợi cước thật vừa ý. 

Nón làng Chuông có 16 vòng, vòng ngoài cùng to nhất, rộng nhất, các vòng sau nhỏ dần theo hình khuôn nón. Chiếc nón thành phẩm phải chứa cả ba lớp lá: Lớp lá lót, mo nứa, sau đến lớp lá ngoài, khi cầm lên vẫn phải thấy mỏng mà nhẹ thì mới là nón đẹp.

Theo thời gian, nghề làm nón làng Chuông được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu là những người phụ nữ bằng sự khéo léo của đôi bàn tay đã tạo ra những chiếc nón xinh xắn, bền đẹp.

Cả làng Chuông có gần 4.000 hộ thì từng ấy hộ làm nón. Sự phong phú và đa dạng về mẫu mã chủng loại, cùng với chất lượng uy tín đã khiến nón Chuông không chỉ đến được với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, mà còn xuất sang tận phương Tây, có mặt trong những siêu thị lớn với giá thành cao.

Giá một chiếc nón lá trên thị trường dao động từ 30 - 40 nghìn đồng, còn nón lụa cách tân khoảng từ 150 - 200 nghìn/chiếc. Nghề làm nón truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến nhiều cơ sở làm nón chịu không ít khó khăn và lao đao. 

Cũng theo chia sẻ của nghệ nhân Nghệ nhân Lê Xuân Đạt, người gắn bó với nghề làm nón suốt hơn 40 năm qua tâm sự: “Đây là nghề của cha ông để lại, đòi hỏi tỉ mỉ mà thế hệ sau phải chịu khó, yêu nghề và tự hào thì mới có tâm thế gắn bó với nghề. Lo lắng nghề thất truyền, cho nên tôi đã thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề để truyền nghề và sự nhiệt huyết cho nhiều bạn trẻ, góp phần tạo công ăn việc làm cho họ”…

Có dịp tới thăm làng Chuông vào một ngày cuối chiều, chúng tôi không quá khó để nhận ra ngôi làng nhỏ bé nằm bên dòng sông Đáy. Trong khuôn viên của từng gia đình, những cụ già, em nhỏ đang cặm cụi khâu từng chiếc nón. Trên các sân hay ven đường đê, các bãi cỏ giáp cánh đồng phơi trắng lá nón. Bên trong chợ Chuông những chồng nón các loại xếp cao ngất cùng với các vật liệu làm nón như: lá nón, vòng nón, cước khâu, sợi tế bày la liệt. Nhịp sống của làng nón Chuông không ồn ào, gấp gáp, sôi động như các làng quê khác mà ngược lại rất âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ nhưng lại tỏa ra sức hấp dẫn riêng của một làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu