06:13 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giảm hàng loạt phí, nhiều doanh nghiệp "thở phào nhẹ nhõm"

| 09:50 19/09/2017

(THPL) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho các dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan đến phí và lệ phí. Nếu đề xuất này được áp dụng, hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) trong nhiều lĩnh vực như an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, dược, thủy sản... sẽ được hưởng nhiều quyền lợi.

Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi Thông tư 286/2016, đề nghị giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu từ mức 350.000 đồng/lô hàng giảm xuống còn 200.000 đồng/lô hàng. Đối với phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, hiện DN đang phải đóng từ 30.000 đến 50.000 đồng/lần/người, Bộ Tài chính đề xuất mức thu chung là 30.000 đồng/lần/người.

Nhiều DN nhận định nếu áp dụng quy định trên vào thực tế thì sẽ giảm đáng kể chi phí. Bởi việc áp dụng Thông tư 286 từ đầu năm nay khiến chi phí của DN tăng mạnh, ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.

Cụ thể, theo tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mức phí này rất cao, nếu lấy quy mô sản xuất xuất khẩu như năm 2016 thì mỗi DN sẽ phải gánh thêm từ 100 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm.

Khi chi phí giảm, tuy về ngắn hạn có thể giảm nguồn thu nhưng về dài hạn sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế khi DN kinh doanh thuận lợi. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ với báo Pháp luật TPHCM, ông Nguyễn Văn Đạo (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng), dẫn chứng nếu mỗi tuần đơn vị phải lấy mẫu kiểm khoảng 40 lô hàng, với mức phí mỗi lô hàng như hiện hành 350.000 đồng, trung bình mỗi tuần phải đóng 14 triệu đồng. Tính ra mỗi năm, công ty phải tốn khoảng 672 triệu đồng cho chi phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu.

Nhưng với mức đề xuất giảm phí xuống 200.000 đồng/lô hàng như Bộ Tài chính đề xuất, chi phí này DN phải chịu còn 8 triệu đồng/tuần, tính ra chỉ phải đóng khoảng 384 triệu đồng/năm. Tính chung, DN tiết kiệm được khoảng 288 triệu đồng/năm.

“Việc giảm phí sẽ góp phần giúp hàng Việt tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đặc biệt, nhờ tiết kiệm được các khoản chi phí hàng trăm triệu giúp DN đầu tư vào công nghệ chế biến, đóng gói… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm” - ông Đạo chia sẻ.

Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi Thông tư 279/2016 về việc thẩm định hồ sơ công bố hợp quy, công bố quy định an toàn thực phẩm… nếu công bố lần đầu sẽ thu 500.000 đồng/lần/sản phẩm, còn công bố lại có mức thu 300.000 đồng/lần/sản phẩm. Mức phí trên sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 200.000 đồng/lần/sản phẩm trong lần công bố đầu và công bố lại giảm xuống còn 100.000 đồng/lần/sản phẩm.

Nói về đề xuất trên, ông Trần Văn Lĩnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Thương mại Thuận Phước) cho hay, trung bình một năm chi phí để làm xác nhận công bố mới của công ty hết khoảng 80 triệu đồng và thêm chi phí gửi mẫu kiểm tra định kỳ cho từng sản phẩm để gia hạn giấy xác nhận công bố khoảng 20 triệu đồng/năm. Tổng cộng chi phí hằng năm cho việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của công ty lên tới khoảng 100 triệu đồng/năm. “Nhưng với đề xuất giảm phí của Bộ Tài chính, DN chỉ phải đóng khoảng 40 triệu đồng/năm” - ông Lĩnh phân tích.

Thống kê của một công ty thủy sản cũng cho thấy riêng năm 2016 đã làm xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho hơn 30 sản phẩm mới với chi phí 2-3 triệu đồng/sản phẩm gồm phí kiểm mẫu và phí công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Như vậy, trung bình một năm công ty mất 80 triệu đồng để làm xác nhận công bố mới. Đó là chưa kể hàng loạt chi phí khác. Tổng cộng chi phí hằng năm cho việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của công ty đã lên tới khoảng 100 triệu đồng/năm. Những chi phí này làm gia tăng gánh nặng cho người kinh doanh, nay được giảm thì DN có cơ hội đầu tư nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề nghị các bộ, ngành tiếp tục cắt giảm hàng loạt loại thuế, phí, biểu phí để hỗ trợ DN, người dân. Đơn cử đề nghị giảm từ 10% đến 20% đối với từng mức thu phí bảo hộ giống cây lâm nghiệp; mức thu lệ phí đăng ký thành lập DN, thay đổi nội dung đăng ký DN, cấp giấy chứng nhận đăng ký DN được đề nghị giảm từ 200.000 đồng xuống 100.000 đồng/lần; giảm mức thu phí cung cấp thông tin DN theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên từ 5 triệu xuống 4,5 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm mức thu phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1,8 triệu xuống 1,6 triệu đồng/hồ sơ; giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền từ 200.000 xuống 150.000 đồng/mặt hàng...

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành sớm gửi ý kiến về Bộ Tài chính trước ngày 25/9 để sớm tổng hợp, ban hành thông tư, kịp thời gian báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2017.

Nhiều DN và chuyên gia kỳ vọng Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra các đề xuất cắt giảm chi phí cho DN. Bên cạnh đó các bộ, ngành khác cũng cần có những hành động cụ thể theo định hướng này. Bởi khi chi phí giảm, tuy về ngắn hạn có thể giảm nguồn thu nhưng về dài hạn sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra thêm việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế khi DN kinh doanh thuận lợi.

Minh Anh (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu