02:10 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giá xăng dầu liên tục treo cao, đẩy chỉ số CPI tăng mạnh

13:58 29/06/2022

(THPL) - Nguyên nhân chính khiến CPI tăng là do giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu cũng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển cao.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Báo VTC News cho hay, có 3 nguyên nhân chính khiến CPI tăng là do giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu cũng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển cao.

Trong mức tăng của CPI tháng 6, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,62%.

Chỉ số giá vàng và USD ngược chiều nhau trong tháng này. Trong khi vàng giảm 1,14% so với tháng trước thì USD lại tăng 0,72%.

Giá xăng dầu liên tục treo cao, đẩy CPI tăng mạnh. Ảnh minh họa

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý II năm 2022 như: Giá thịt lợn bình quân quý II/2022 giảm 18,65% so với cùng kỳ năm trước do dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát, nguồn cung thịt lợn đảm bảo, làm CPI giảm 0,63 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục quý II giảm 2,86% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI giảm 0,16 điểm phần trăm.

Giá thuê nhà ở quý II năm nay giảm 12,33% so với cùng kỳ năm trước, do từ 6 tháng cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà, tác động làm CPI giảm 0,06 điểm phần trăm.

Theo báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: Đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraina còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. “Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu