01:08 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gặp gỡ tác giả của cuốn sách "lạ" - Khái luận Âm nhạc học

| 07:30 23/04/2017

(THPL) - Vừa qua, nhiều tờ báo có nhắc đến một cuốn sách “lạ” xuất hiện tại Ngày hội sách Việt Nam lần thứ 4 năm 2017. Cuốn sách có tựa đề “Khái luận Âm nhạc học”, đề cập đến tính chất khoa học của ngành Âm nhạc học, một khái niệm còn rất mới mẻ ở nước ta. Để rộng đường dư luận về nội dung chuyên biệt của cuốn sách này, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã có buổi trò chuyện cùng tác giả là TS. Nguyễn Thanh Hà.

PV: Thưa tiến sỹ, nếu được hỏi “âm nhạc là gì?” nhiều người sẽ trả lời ngay “âm nhạc là một môn nghệ thật của âm thanh...” hoặc nghĩ đơn giản hơn “âm nhạc là đàn ca hát xướng”. Còn “Khoa học Âm nhạc”, hình như đây là lần đầu tiên có khái niệm này?

TS. Nguyễn Thanh Hà: Trước tiên, để nói về “Khoa học Âm nhạc” ta cần hiểu khái niệm Âm nhạc học là gì? Âm nhạc học (musicology) là kiến thức, là kết quả nghiên cứu âm nhạc và những vấn đề có liên quan đến âm nhạc. Ở phương Tây, thuật ngữ âm nhạc học (musikwiseeschatft/musicology) đã được sử dụng từ thế kỷ XVIII, tuy nhiên muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử và đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học này, chúng ta cần quay ngược về với thời kỳ Hy Lạp cổ đại.

Nhiều bạn trẻ háo hức với cuốn sách Khái luận âm nhạc học

Có thể nói nhà tư tưởng, nhà toán học vĩ đại Pythagoras (580-500 TCN) là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu âm hưởng học, là ông Tổ của lĩnh vực nghiên cứu triết học âm nhạc. Pythagoras còn đưa ra suy đoán về sự hòa hợp giữa con số và quãng, suy diễn ra giả thuyết “lý luận hài hòa thiên thể”, ông dự định lấy giả thuyết này để chứng minh mối quan hệ giữa âm nhạc và sự chuyển động của các vì sao trên vũ trụ, từ đó chứng minh bản chất của thế giới.

Nhà lý luận âm nhạc Aristoxenos (thế kỷ IV TCN) lại phản đối chủ trương: dựa vào số học để giải thích âm nhạc của Pythagoras. Trong cuốn Hòa hợp luận của mình, ông đã đưa ra quan điểm “lý luận tinh thần” như sau: âm nhạc là môn nghệ thuật chứa đựng tình cảm, âm nhạc có hòa hợp với con người hay không là do khả năng và thói quen cảm thụ âm nhạc của mỗi người, do chủ quan từng người suy xét.

Một số nhà triết học lỗi lạc như Aristotle, Platon… đã đưa ra “lý luận mỹ học và giáo dục”, xuất phát từ đạo đức nghề giáo của mỗi quốc gia để trình bày và phân tích chức năng xã hội của âm nhạc.

PV: Anh có thể chia sẻ những đối tượng và phạm vi nghiên cứu khoa học âm nhạc?

TS. Nguyễn Thanh Hà: Từ nửa trước của thế kỷ thứ XVIII, người châu Âu đã rất quan tâm đến âm nhạc phương Đông. Ghi chép, nghiên cứu âm nhạc Trung Quốc ở thời kỳ ấy điển hình có Jean – Baptiste Du Hatde và Joseph Amiod; nghiên cứu âm nhạc Nhật Bản có Guillaume - André Villoteau và Francis Taylor Piggot; âm nhạc ấn Độ có William Jones và Charles Russel Day….

Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XIX, cùng với sự ra đời của Tạp chí âm nhạc học ở Đức số đầu tiên, học giả người Đức Friedrich Churysander (1826-1901) cho xuất bản cuốn Jahrbücher für Musikalische Wissenschaft - 1863 (Niên giám khoa học âm nhạc - năm 1863) thì âm nhạc học mới thực sự được xem là một ngành nghiên cứu khoa học. Trong tiếng Đức, musik - âm nhạc, wissenschaft - khoa học.

Đặc biệt là 22 năm sau, khi tác phẩm Umfang, methode und ziel der musikwissenschaft - 1885 (Phạm vi, phương pháp và mục tiêu nghiên cứu của âm nhạc học - năm 1885) của nhà âm nhạc học người Đức GuiDo Adler (1855-1941) xuất hiện thì những vấn đề về vị trí mỹ học âm nhạc trong hệ thống âm nhạc học mới được đề cập và nghiên cứu chỉnh thể. 

Tuy nhiên, điều này có chính xác và mang tính toàn diện hay không? Chúng ta cùng nhìn lại về lịch sử phát triển và những định nghĩa về ngành khoa học còn non trẻ này.

Những năm 60 của thế kỷ XIX, một số học giả của Đức như Helm Holtz đã đưa ra ý kiến sau: Âm nhạc học cần lấy những nguyên liệu vật chất cấu thành nên âm nhạc và quá trình cảm thụ nó làm đối tượng nghiên cứu chính.

Cuối thế kỷ XIX, một số nhà nghiên cứu âm nhạc của phương Tây có quan niệm truyền thống như sau: nghiên cứu Âm nhạc học cần phải lấy lịch sử phát triển của âm nhạc hoặc nói chính xác hơn là lấy lịch sử âm nhạc phương Tây làm trọng tâm nghiên cứu.

Đến năm 1980, trong mục “Âm nhạc học” cuốn 12 của Tân từ điển âm nhạc Grove thì nhạc sĩ  có viết: Âm nhạc học “là lĩnh vực tri thức, lĩnh vực tri thức này xem nghệ thuật âm nhạc là một hiện tượng vật lý, tâm lý, mỹ học và văn hóa, tất cả là đối tượng nghiên cứu của âm nhạc học”

Năm 1989, trong mục “Âm nhạc học” (do Liễu Nãi Hùng, La Truyền Khai biên soạn) của cuốn Bách khoa toàn thư Trung Quốc - Vũ điệu âm nhạc cho rằng: Âm nhạc học “chỉ việc nghiên cứu những lý luận khoa học có trong âm nhạc”.

Vào năm 1997, trong mục “Âm nhạc học” của Tân từ điển âm nhạc xuất bản tại Nhật Bản có viết: Âm nhạc học “là một lĩnh vực học thuật nghiên cứu mọi thứ có liên quan đến âm nhạc và được vận dụng mọi phương pháp khoa học tiên tiến để nghiên cứu (phương diện khoa học tự nhiên, nhân văn và xã hội)”.

Nhiệm vụ chung của âm nhạc học là làm sáng tỏ bản chất cũng như quy luật của âm nhạc thông qua những hiện tượng tự nhiên, xã hội và văn hóa có liên quan đến âm nhạc...

Nhìn lại những đối tượng và phạm vi nghiên cứu khoa học âm nhạc học đã được đề cập trên cho thấy: mỗi thời kỳ, mỗi nhà nghiên cứu đều có những lý giải của riêng mình, trong đó vừa thể hiện dấu ấn thời đại vừa đánh dấu sự phát triển của khoa học.

PV: Vậy nhiệm vụ của Âm nhạc học là gì, thưa anh?

TS. Nguyễn Thanh Hà: Nhiệm vụ của âm nhạc học là khai thác, thu thập, bảo tồn, chỉnh lý và nghiên cứu những gì có liên quan đến âm nhạc, để trả lời câu hỏi “Âm nhạc là gì?”. Thứ tiếp là những hành vi âm nhạc (gồm hoạt động sinh lý, hoạt động thẩm mỹ, hoạt động sáng tạo, hoạt động biểu diễn và tiếp nhận hành vi) của các dân tộc, quốc gia cũng như cá nhân trước đây và hiện nay…

Âm nhạc học cần phải thông qua việc nghiên cứu những hành vi âm nhạc của bản thân con người (cá nhân và cộng đồng) để giải thích nguyên nhân “vì sao những sản phẩm âm nhạc ra đời?” và trả lời cho câu hỏi “vì sao âm nhạc này lại như thế này chứ không phải thế kia?”.

Về tính chất khoa học, hệ thống học thuật phương Tây thường coi âm nhạc học là một bộ phận của khoa học nhân văn. Vì mục đích quan trọng của âm nhạc học là nghiên cứu ÂM NHẠC - một hoạt động tâm lý của con người. Nhưng khi đề cập đến các phân ngành khoa học của âm nhạc học lại gặp phải vấn đề thuộc tính “song tầng” hoặc “đa tầng”.

Khái luận Âm nhạc học sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành Âm nhạc học

Ví dụ: thanh nhạc học là sự kết hợp giữa âm nhạc học và vật lý học; nhạc luật học là sự kết hợp giữa âm nhạc học, toán học và vật lý học; âm nhạc học sinh lý là sự kết hợp giữa âm nhạc học và sinh lý học; âm nhạc công nghệ là sự kết hợp giữa âm nhạc học và khoa học công nghệ; âm nhạc trị liệu là sự kết hợp giữa âm nhạc học và y học… Tất cả những phân ngành khoa học kể trên hầu hết đều là những nghiên cứu về mối tương quan giữa âm nhạc học và lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Tiếp đó, âm nhạc học xã hội là sự kết hợp giữa âm nhạc học và xã hội học; âm nhạc học quản lý là sự kết hợp giữa âm nhạc học và quản lý học; âm nhạc học giáo dục là sự kết hợp giữa âm nhạc học và giáo dục học; âm nhạc học kinh tế là sự kết hợp giữa âm nhạc học và kinh tế học; âm nhạc học dân tộc là sự kết hợp giữa âm nhạc học và dân tộc học…. Những phân ngành khoa học này đều là những nghiên cứu về mối tương quan giữa âm nhạc học và các lĩnh vực khoa học xã hội.

Triết học âm nhạc là những nghiên cứu về bản chất, chức năng và giá trị âm nhạc; âm nhạc học lịch sử là những nghiên cứu về quy luật phát triển lịch sử của âm nhạc; âm nhạc hình thái, âm nhạc học sáng tác, âm nhạc học nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc học phê bình … đều là những nghiên cứu về vấn đề âm nhạc thể hiện tinh thần, tình cảm của con người như thế nào. Nói chung những nghiên cứu này đều là nghiên cứu về tính chất khoa học nhân văn của âm nhạc.

Âm nhạc học thuộc về một ngành khoa học tổng hợp có trọng tâm là khoa học nhân văn. Mặc dù những nghiên cứu âm nhạc học đều có liên quan đến lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhưng vẫn thể hiện bản chất: âm nhạc là biểu hiện tinh thần nhân văn. Từ những yếu tố trên, chúng tôi cho rằng: Âm nhạc học thuộc một ngành khoa học của phạm trù khoa học nhân văn.

Xin cảm ơn anh!

Tiến sỹ âm nhạc học Nguyễn Thanh Hà, hiện đang công tác tại Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) anh có hơn 25 năm học tập trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp và gần 10 năm tu nghiệp và giảng dạy tại nhiều nhạc viện danh giá trên thế giới.

● Năm 2002, Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

● Năm 2009, Thạc sĩ loại xuất sắc chuyên ngành Âm nhạc phương Đông (Học viện Âm nhạc Thượng Hải)  

● Năm 2012, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Âm nhạc học Dân tộc (Ethnomusicology) tại Học viện Âm nhạc Trung Quốc

● Đoạt giải A duy nhất do Hội nhạc sĩ Việt Nam trao cho thể loại sách và giáo trình năm 2016: Đồng tác giả cuốn Âm nhạc phương Đông

● Tác giả biên soạn cuốn Âm nhạc Trung Quốc - lịch sử và thể loại

● Tác giả biên soạn cuốn Khái luận Âm nhạc học

Thanh Huyền 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu