06:34 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Gạo Việt còn nhiều dư địa để phát triển tại thị trường Anh

13:13 24/08/2023

(THPL) - Việc một số nước như: Ấn Độ, Nga, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)… hạn chế xuất khẩu gạo được cho là thời cơ “vàng” cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để gạo Việt gia tăng thị phần tại nhiều thị trường khác trong đó có Anh, đặc biệt khi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về thuế theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA).

Năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh ghi nhận bước tăng trưởng ngoạn mục, đạt gần 3.400 tấn, trị giá hơn 3,7 triệu USD, tăng 24,5 % về lượng và 34% về giá trị so với năm 2021. Tuy vậy, Việt Nam hiện chỉ chiếm 0,6% thị trường nhập khẩu gạo của Anh, đứng thứ 14 trong các nước xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất tại Anh, chiếm tới gần 27% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này. Việc Ấn Độ đột ngột dừng xuất khẩu sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo tại Anh trong nửa cuối năm 2023. Điều này cũng tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để gạo Việt Nam gia tăng thị phần tại Anh, đặc biệt khi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về thuế theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA).

Hơn nữa, với lệnh cấm, các nhà nhập khẩu gạo của Anh sẽ chuyển sang mua gạo Việt Nam và Thái Lan, đây là thời cơ để Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong danh sách bạn hàng của các công ty nhập khẩu gạo của Anh, trước đây vốn chỉ có quan hệ đối tác lâu dài với các nhà cung cấp Ấn Độ và Thái Lan.

Nếu tiếp thị một cách chuyên nghiệp tại thị trường Anh, quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại bằng tiếng Anh, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh. Trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á - chiếm một lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm.

Gạo Việt có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu tại thị trường Anh. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh cơ hội là những thách thức mà doanh nghiệp Việt cần linh hoạt thích ứng, theo đó các doanh nghiệp sản xuất gạo cần tuân thủ những yêu cầu về chất lượng sản phẩm và sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững của Anh cũng như châu Âu. Đồng thời, Chính phủ, các địa phương trồng lúa cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật cũng như kinh phí để mở rộng việc áp dụng Global GAP, tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý sản phẩm và quản lý rủi ro… là cơ sở để các nhà nhập khẩu, phân phối ở Anh và châu Âu tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Cùng với đó, để tận dụng cơ hội xuất khẩu mới này, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân thông qua việc cấp tín dụng cho những doanh nghiệp thu mua và kiểm soát xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, nếu có thể chào ký hợp đồng dài hạn với các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo được niềm tin đối với các đối tác Anh về khả năng cung ứng gạo ổn định của Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng quan hệ bạn hàng lâu dài”.

Liên quan đến thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, mặc dù thị trường Anh không có khái niệm nhất quán về gạo ngon vì mỗi loại gạo đều gắn với thị hiếu tiêu dùng của từng cộng đồng sắc tộc. Song tại quốc gia này có một số tiêu chuẩn chung cho gạo ngon như: Hạt gạo có chiều dài từ 7mm trở lên; hạt gạo khi nấu thành cơm phải dẻo, mềm, không dính và thơm. Ngoài ra, gạo phải sạch và không có tồn dư hóa chất hay chất bảo quản.

“Nếu tích cực tiếp thị một cách chuyên nghiệp, bao gồm việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại bằng tiếng Anh, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh, trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á, vốn chiếm một lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm”-ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để gạo Việt Nam tăng sự hiện diện tại thị trường Anh, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh kiến nghị Bộ Công Thương khuyến khích những doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký kết các hợp đồng cung ứng dài hạn trên cơ sở cân đối giữa an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu; Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng tín dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng lúa áp dụng Global G.A.P để sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn nên triển khai những Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo đáp ứng chất lượng và thị hiếu tiêu dùng của thị trường.

Tương tự, để xuất khẩu gạo thuận lợi về mặt lâu dài Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, trước hết là phải tập trung bám sát tình hình thực tế, ở đây là kế hoạch sản xuất của từng địa phương và điều kiện thời tiết, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hợp lý nhất. Chúng ta đảm bảo diện tích trồng lúa vừa đáp ứng an ninh lương thực, vừa đáp ứng cho xuất khẩu.

Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan cố gắng tập trung hoàn thiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Đây là 1 trong những đề án mà Bộ, Chính phủ rất quan tâm. Vì nếu làm tốt đề án này, đây sẽ là vấn đề sau này có thể nhân rộng ra cho các khu vực có chuyên canh như Đồng bằng sông Cửu Long hoặc Đồng bằng sông Hồng.

Khi đã nói đến lúa chất lượng cao, giảm phát thải thì đây là xu thế tất yếu chúng ta phải làm. Điều này mang lại giá thành tốt hơn, hiệu quả hơn. Qua đây chứng minh với thế giới chúng ta đang thực hiện đúng cam kết của COP26, cũng như bảo đảm những sản phẩm lúa gạo ra các thị trường đạt chất lượng tốt, vừa là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng gạo tốt, thơm ngon, đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Ngoài những việc trên, Bộ chỉ đạo các đơn vị, trước tình hình biến đổi khí hậu, ngoài vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, nhiều điều kiện thời tiết bất lợi, chúng ta cố gắng nghiên cứu cho ra những giống lúa có khả năng thích ứng với những điều kiện đó, để bảo đảm trong các điều kiện bất thuận, chúng ta vẫn duy trì được diện tích và sản lượng. Như vậy mới có nguồn cung đáp ứng các hợp đồng mà chúng ta ký kết và cũng tạo dựng niềm tin của ngành hàng lúa gạo Việt Nam đối với thế giới.

Tuấn Minh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu