01:32 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gạo Việt - Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu 2020

Phương Linh (tổng hợp) | 10:21 07/12/2020

(THPL) - Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. Dự kiến giá gạo Việt Nam sẽ vẫn duy trì ổn định đến cuối năm.

Hiện gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo japonica, gạo nếp.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn còn đang ở mức thấp, đạt khoảng 20.000 tấn, trị giá đạt 10,7 triệu USD năm 2019, trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của EU trong khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 – 2020.

Đáng chú ý, trong danh mục các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam trước đó không có tên các nước thành viên EU, mà chỉ có Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Philippines, và một số thị trường Châu Phi như Bờ Biển Ngà… Có thể thấy, dù là quốc gia xuất khẩu gạo thứ ba thế giới, nhưng hạt gạo Việt vẫn còn vắng bóng tại EU.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra cơ hội cho gạo Việt, khi dành lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan.

Theo đó, ngay trong tháng 8/2020, sau khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực.

Gạo Việt - Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu 2020 (ảnh minh họa)

Cụ thể theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm.

Theo đó, với việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Được biết, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT). Tháng 10/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 300 ngàn tấn với giá trị đạt 161 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2020 đạt 5,29 triệu tấn với kim ngạch 2,61 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 9/2020 đạt khoảng 490,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 10 đến nay, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng từ mức khoảng 470 USD/tấn vào đầu tháng lên khoảng 490 USD/tấn vào cuối tháng. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan có xu hướng giảm từ 475 USD/tấn vào đầu tháng xuống 438 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo Ấn Độ cũng giảm nhẹ từ 379 xuống 375 USD/tấn.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn đứng vị trí số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam khi chiếm 34,5% thị phần trong 9 tháng đầu năm. Hiện tại xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines đạt 1,81 triệu tấn với giá trị hơn 843 triệu USD, giảm 3,9% về khối lượng nhưng tăng 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh tiếp theo là Trung Quốc (đạt hơn 576 ngàn tấn, giá trị hơn 338 triệu USD, tăng 75,4%) và Indonesia (gần 77 ngàn tấn, giá trị gần 42 triệu USD, tăng 3,2 lần).

Liên quan đến vấn đề sản xuất, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, gieo trồng giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao nên năng suất lúa đông xuân của cả nước năm nay đạt 66,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2019. Sản lượng lúa đông xuân đạt 19,9 triệu tấn, giảm 593,5 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm trước do diện tích gieo trồng năm nay đạt 3.024,1 nghìn ha, giảm 3,2%, trong đó có 30,6 nghìn ha lúa bị thiệt hại bởi hạn hán và nhiễm mặn nên diện tích thu hoạch lúa đông xuân chỉ đạt 2.993,5 nghìn ha, giảm 130,6 nghìn ha so với năm trước.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu