21:52 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cơ hội cho hạt gạo Việt Nam khẳng định tại thị trường Châu Âu

08:42 18/07/2020

(THPL) - Thị trường Châu Âu với hơn nửa tỷ dân, GDP chiếm trên 22% toàn cầu là một thị trường tiềm năng trong xuất khẩu gạo của Việt Nam, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) có hiệu lực, hạn mức nhập khẩu của EU đối với mặt hàng gạo của Việt nam hằng năm là 80.000 tấn.

Hạn mức trên được chia ra từng giai đoạn trong năm. Cụ thể, gạo chưa xay xát từ ngày 1/1 tới 31/3 là 10.000 tấn; từ 1/4 tới 30/6 là 5.000 tấn; từ 1/7 tới 30/9 là 5.000 tấn. Trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Với gạo thơm, hạn ngạch từ ngày 1/1 tới ngày 31/3 là 15.000 tấn; từ ngày 1/4 tới ngày 30/6 là 7.500 tấn và từ 1/7 tới ngày 30/9 là 7.500 tấn.

Tham gia EVFTA sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên.

Với hạn ngạch nêu trên kỳ vọng sẽ giúp hạt gạo Việt Nam tăng sự hiện diện tại thị trường các nước Châu Âu. Trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 20.000 tấn gạo sang thị trường EU với mức thuế dao động khoảng 65 - 211 Eur/tấn (ước tính cao tới 50% giá trị xuất khẩu). Với mức thuế đó gạo Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu đã đội giá lên tới trên 1.000 USD/tấn. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Mức thuế này khiến gạo Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ Campuchia. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu gạo vào EU sẽ giảm và dần tiệm cận về mức 0%, tạo điều kiện cho gạo Việt tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu  vào thị trường này.

Trên thực tế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản như vậy cũng chưa cao. Tuy nhiên Châu Âu vẫn luôn là thị trường đầy tiềm năng của hạt gạo Việt, vì đây là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao và nếu thâm nhập thành công, hạt gạo Việt sẽ trở thành một thương hiệu vững chắc để tiến vào nhiều thị trường khác. Khi được giảm thuế, giảm giá thành, sức cạnh tranh của hạt gạo Việt chắc chắn sẽ tăng lên.

Đại diện Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường đã mở cửa, nhưng vấn đề lại nằm ở việc các doanh nghiệp trong nước có đáp ứng được tiêu chuẩn rất gắt gao của thị trường này hay không. Liên minh Châu Âu luôn là một trong những thị trường có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất nhì thế giới. Đặc biệt, với nông sản, thủy sản, Liên minh Châu Âu không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý.

Do đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cần phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về chất lượng hàng hóa mà đối tác đặt ra. Trong đó có quy định phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại được hưởng ưu đãi theo hạn ngạch nhập khẩu trong cam kết EVFTA.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã đánh giá, hiện nay Việt Nam đã có rất nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu nông sản sang cả Nhật, Mỹ là hai thị trường được xem là khó tính nhất. Vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu đang cần được ngành chức năng hỗ trợ là thực hiện xúc tiến quảng bá thương hiệu, hướng dẫn quy trình thủ tục để xuất khẩu được thuận lợi vào thị trường liên minh Châu Âu, vì đây là thị trường còn mới đối với nhiều doanh nghiệp ngành gạo.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu