15:33 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Dự báo chỉ số CPI năm 2025 sẽ ở mức 4 - 4,5%

12:11 20/01/2025

(THPL) - Năm 2025, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%. Theo các chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 hoàn toàn có thể kiểm soát được và xoay quanh mức từ 4 đến 4,5%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Với kết quả trên, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, CPI năm 2024 tăng thấp có nguyên nhân là do giá thế giới tăng thấp, lạm phát thế giới hạ, giảm áp lực lạm phát từ bên ngoài. Mặc dù tăng trưởng GDP cao song cầu nội địa vẫn thấp (thấp nhất từ năm 2022) do người dân thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, giá lương thực-thực phẩm không tăng cao (trừ thời gian ngắn sau bão Yagi tháng 9/2024) do Việt Nam là nước sản xuất nông sản lớn, nguồn cung dồi dào.

Chia sẻ về các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như mục tiêu kiểm soán CPI năm 2025, TS Lê Quốc Phương nói, trên thế giới, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng hạ. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng Trung ương hạ dần lãi suất, kinh tế thế giới dần phục hồi, cầu thế giới hồi phục nhẹ. Điều này sẽ góp phần tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá và Việt Nam – một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, rủi ro cũng đến khi lạm phát toàn cầu hạ song song còn tiềm ẩn nguy cơ tăng lại. Các điểm nóng xung đột chưa hạ nhiệt, thậm chí gia tăng. Các chính sách bảo hộ của chính quyền Trump 2.0 dự báo sẽ tác động nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi đây là thị trường lớn nhất của hàng Việt. Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt cũng gây áp lực tăng giá, nhất là các mặt hàng thuộc nhóm nông sản.

Dự báo chỉ số CPI năm 2025 sẽ ở mức 4 - 4,5%. Ảnh minh họa

Năm 2025, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%. Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính nhìn nhận, con số này sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý với 3 kịch bản dao động từ 3,3 - 4,5%, thậm chí mức thấp hơn từ 2,7 - 3%.

Trong kịch bản cơ sở, tỷ giá USD/VND ổn định và lãi suất chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình 0,23%/tháng và lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3,0%.

Trong kịch bản cao, áp lực tỷ giá lớn do đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng mạnh lãi suất để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, CPI có thể sẽ tăng 0,28%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 3,3%.

Trong kịch bản thấp, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng yếu, giá dầu giảm đáng kể, đồng thời giá USD và lãi suất ổn định hoặc giảm nhẹ, CPI có thể chỉ tăng 0,18%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 2,7%.

Để kiểm soát lạm phát năm 2025 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì, chỉ đạo các bộ, ban, ngành xây dựng và báo cáo các phương án tăng giá các mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục...) với mức độ tăng và thời điểm cụ thể để xem xét quyết định về mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, chủ động, đồng bộ, thống nhất bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Cần sớm có phương án, lộ trình điều chỉnh giá đầy đủ, đồng bộ, thống nhất giữa các mặt hàng để tránh bị động trong ban hành và thực thi chính sách về giá. Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng, dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp lễ, Tết nhằm hạn chế tăng giá.

Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. “Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, bà Nguyễn Hương Trà – đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, cần chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường. Chú trọng công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chủ động công tác dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 sắp tới. Tiếp tục rà soát để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường.

Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, giúp tăng nguồn cung, từ đó giảm áp lực tăng giá.

"Tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, để ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước, góp phần ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá", đại diện Cục Quản lý giá cho biết.

Nhận định về bức tranh kinh tế 2025, theo PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, dao động ở mức 3,5-4,5%. Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát giá cả. Trong đó, việc theo dõi sát sao và điều chỉnh chính sách kịp thời là cần thiết để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2025.

Vẫn theo PGS, TS. Ngô Trí Long, để kiểm soát lạm phát năm 2025, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt.

"Kiểm soát chi tiêu công và thâm hụt ngân sách giúp giảm áp lực vay nợ, từ đó ổn định CPI. Quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu. Đẩy mạnh sản xuất và chuỗi cung ứng nội địa. Kiểm soát nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyến nghị.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu