18:50 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Chuyên gia dự báo áp lực lạm phát trong năm 2024 sẽ không quá lớn

11:05 03/07/2024

(THPL) - Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 đã tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý 2/2024 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024. Các con này đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo giá cả năm 2024” diễn ra sáng 3/7, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023.

Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, trong kịch bản cao, giá dầu tăng nhẹ, tỷ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (tương đương mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 2,8% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,6%.

Trong kịch bản trung bình, giá dầu và tỷ giá đều ổn định, CPI tăng trung bình 0,1%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (như trong quý 2/2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 2% và lạm phát trung bình cả năm ở sẽ mức 3,4%.

Chuyên gia dự báo áp lực lạm phát trong năm 2024 sẽ không quá lớn. Ảnh minh hoạ

Trong kịch bản thấp, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm 2024, giá dầu và tỷ giá giảm, CPI tăng trung bình 0%/tháng, thậm chí có thể giảm, trong 6 tháng cuối năm 2024. Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 1,4% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,2%.

Như vậy, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/ 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).

"Áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm không lớn. Kinh tế Việt Nam hoạt động dưới tiềm năng; cầu tiêu dùng yếu; áp lực tỷ giá đã đạt đỉnh; giá dầu khó tăng mạnh do nguy cơ suy thoái kinh tế; lãi suất thực dương, tín dụng tăng trưởng thấp; tác động tăng lượng cơ sở không lớn. Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,3% (chưa tính đến các điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý", TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.

Liên quan đến thông tin việc tăng lương sẽ gây áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm, Vụ trưởng Thống kê giá Nguyễn Thị Thu Oanh dẫn số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2009 đến ngày 1/7/2024, tiền lương cơ sở đã tăng 280%, lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp tăng 480%, trong khi CPI tăng 108%.

Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn nhiều so với tăng lương, cho thấy Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thật sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động. Trước đây, giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.

Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước sáu tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu không có biến động lớn về tình hình địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến tình hình trong nước, có khả năng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. 

Năm 2024, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân trong khoảng 4 - 4,5%. Hiện, kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 đã đi qua một nửa chặng đường. Công bố vừa qua của Tổng cục Thống kê cho thấy tháng 5 CPI tăng bình quân 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.

Bộ Tài chính dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, khi giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Giá dầu Brent trung bình 6 tháng cuối năm dự báo trong khoảng 80-90 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao cũng ảnh hưởng tới giá cả mặt bằng trong nước.

Bộ Tài chính cũng đã dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu