18:56 ngày 31/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

2 kịch bản lạm phát bình quân năm 2024

10:46 31/10/2024

(THPL) - Theo Bộ Tài chính, với kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,7% so với năm 2023. Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,92% so với năm 2023.

Ngày 30/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ trì họp Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm nay.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì họp Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng năm 2024. Ảnh VGP

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, cho biết, tình hình giá cả thị trường trong nước có xu hướng tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, sau đó sẽ giảm và duy trì sự ổn định trong các tháng tiếp theo.

Theo số liệu, so với tháng 12/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9/2024 đã tăng 2,18%, trong khi so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 2,63%. Trung bình trong 9 tháng đầu năm 2024, CPI ghi nhận mức tăng 3,88% so với năm 2023.

Báo cáo từ Bộ Tài chính đã chỉ ra một số yếu tố đang tạo áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới. Việc điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính toán đúng và đủ các yếu tố chi phí dự kiến sẽ tác động đến việc tăng CPI. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm 2024, giá điện sinh hoạt sẽ chịu ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh giá bán điện vào ngày 11/10/2024 và cũng phụ thuộc vào mức tiêu thụ điện, điều này có thể làm gia tăng giá điện tính trên tổng doanh thu và sản lượng tiêu thụ.

Thị trường thế giới cũng đang chứng kiến diễn biến phức tạp trong giá các mặt hàng nhiên liệu và năng lượng, với xu hướng có thể tiếp tục tăng. Theo Bộ Xây dựng, giá cát, đá, và nhựa đường cũng có chiều hướng tăng do nhu cầu xây dựng gia tăng trong các tháng cuối năm, trong khi nguồn cung khai thác tự nhiên lại bị hạn chế, đặc biệt là giá cát.

Các gói kích cầu, hạ lãi suất cho vay, và mở rộng tín dụng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhưng nếu không kiểm soát tốt nguồn cung tiền, điều này cũng có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá.

Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản điều hành giá

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá, tổng hợp các thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản điều hành giá.

Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản CPI bình quân tăng từ 3,7% đến 3,92% năm 2024. Ảnh minh hoạ

Theo đó, kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,7% so với năm 2023. Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,92% so với năm 2023.

Giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỉ lệ như nhau so với tháng trước thì trong thời gian còn lại của năm 2024, CPI còn dư địa tăng khoảng 0,98-1,95% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0-4,5%.

Phấn đấu năm nay CPI không vượt quá 4%

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành; khẳng định trong thời gian vừa qua, dù công tác quản lý, điều hành giá chịu tác động không thuận từ bên ngoài, cũng như yếu tố khách quan, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội vào sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã đạt được mục tiêu.

Về nhiệm vụ quản lý điều hành giá trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến hết năm, CPI bình quân không vượt quá 4%.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vấn đề đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu là hết sức quan trọng. Ông đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu.

Đặc biệt là việc quản lý, điều hành giá, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới, quan tâm đến các hộ nghèo, gia đình khó khăn; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, quản lý tốt tỷ giá…

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát diễn biến các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới có tác động đến thị trường trong nước (trong đó có thị trường xăng dầu) để sẵn sàng các giải pháp, kịch bản quản lý, điều hành giá linh hoạt, hiệu quả.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá, kiểm soát, bình ổn thị trường. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu…

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng có ý kiến chỉ đạo đối với công tác điều hành giá một số mặt hàng cụ thể như xăng dầu, điện, vật liệu xây dựng, bất động sản… Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các biện pháp quản lý, điều hành giá, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra.

Tú Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu