23:58 ngày 20/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Nga

06:47 11/07/2024

(THPL) - Dệt may, cà phê, điện tử... là các mặt hàng xuất khẩu lớn sang thị trường Nga trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, dệt may có kim ngạch cao nhất với 398 triệu USD, chiếm 33,9% tổng giá trị xuất sang thị trường này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga trong nửa đầu năm 2024 đạt 1,17 tỷ USD, tăng 44% so với mức 812 triệu USD ghi nhận cùng kỳ năm trước. Trong số 22 mặt hàng chính xuất khẩu sang Nga, dệt may là mặt hàng có kim ngạch cao nhất với 398 triệu USD, chiếm 33,9% tổng giá trị xuất sang thị trường này. Đứng sau là cà phê với 189 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 117 triệu USD.

Các mặt hàng thuộc nhóm kim ngạch trên 100 triệu USD đều có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Nga tăng tới 86% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 102% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê xuất khẩu sang thị trường này dù tăng nhẹ hơn so với hai mặt hàng trên nhưng cũng đạt mức +35%so với cùng kỳ năm trước.

Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Nga. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh kết quả tích cực, các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với việc giá đơn hàng không tăng, trong khi chi phí vận tải biển đã tăng liên tục trong thời gian qua. Điều này dẫn tới việc khách hàng yêu cầu doanh nghiệp Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Để tăng cạnh tranh cho sản phẩm dệt may, cũng như gia tăng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt phải tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm. Một điểm cần lưu ý là xu hướng xanh hóa sản phẩm dệt may. 

Theo đó, hiện nay ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu, Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu mới cho sản phẩm dệt may - đó là tiêu chuẩn xanh. Để có sản phẩm xanh, thì nhà máy phải đạt tiêu chuẩn ESG, phải dùng điện năng lượng mặt trời, phải giảm nước thải và đạt các chứng chỉ carbon…

Trong xu thế chung, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang từng bước thích ứng nhưng để bước vào sân chơi lớn rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là tổ chức tài chính. Bởi thực tế doanh nghiệp dù nhận thức nên làm sản phẩm xanh, nhưng do biên lợi nhuận thấp, nên việc đầu tư cho công nghệ mới còn khó khăn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, về mặt tài chính, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cần có gói tín dụng xanh cho các doanh nghiệp đầu tư xanh. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng cần có chính sách giảm thuế thu nhập cho những doanh nghiệp đầu tư xanh để họ thấy có động lực và tiếp tục làm tốt hơn.

Tuấn Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu