14:37 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam dẫn đầu thị phần xuất khẩu dệt may sang Mỹ

15:44 24/06/2024

(THPL) - Tính đến nay, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để dẫn đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc tại Mỹ, đồng thời có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 44,4 tỷ USD, tăng 22,3%, tương ứng tăng 8,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu có tăng trưởng của Việt Nam trong 5 tháng qua. Cán cân thương mại với Mỹ duy trì xuất siêu khi đạt 38,1 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tại thị trường Mỹ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ, thủy sản, dệt may… tại thị trường này đang tăng mạnh mẽ.

Liên quan đến mặt hàng xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… sang thị trường Mỹ có sự tăng trưởng cao cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của thị trường này.

Cụ thể, với ngành dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, đạt 6 tỷ USD và tăng 4% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng đến hết quý III và đang đàm phán cho quý IV - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

Việt Nam dẫn đầu thị phần xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ. Ảnh minh hoạ

Đánh giá về cơ hội và triển vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh, tuy vậy các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dựng tự động hoá các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm. Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, ngành dệt may Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có rất nhiều những giải pháp, nhiệm vụ, mục tiêu. Ví dụ như mục tiêu đưa ra tham vọng, mặc dù không phải là cao lắm so với những gì chúng ta đã đạt được trong những năm vừa qua. Ví dụ như đối với ngành dệt may thì mục tiêu đề ra cho năm 2030 là tăng trưởng hàng năm khoảng 6,8-7,2%/năm, mục tiêu đến năm 2030 đạt khoảng 68 - 70 tỷ USD, đấy là mục tiêu.

"Quá trình để thực hiện với mục tiêu này, chúng tôi cho rằng định hướng từ nay cho đến năm 2030 đó là định hướng chuyển dần từ tập trung vào tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững, phát triển bền vững, xanh hóa, chuyển đổi số... Ngoài ra, chúng ta đã ký hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu về xuất xứ và có lộ trình, đã đến lúc chúng ta cũng được hưởng thuế quan ưu đãi nếu chúng ta đáp ứng các yêu cầu."- ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.

Tại thị trường nội địa, ngành dệt may đang cạnh tranh ngày càng gay gắt với thương hiệu thời trang nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Công thương, doanh thu bán lẻ dệt may Việt Nam năm 2023 đạt 246 nghìn tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2018 – 2023 là 6%. Theo số liệu của Euromontior, tốc độ tăng trưởng kép doanh thu bán lẻ dệt may và mở rộng cửa hàng thời trang cho giai đoạn 2022-2027 là 3,8%/2.1%.

Đối với các doanh nghiệp dệt may, phát triển theo chiều sâu của chuỗi giá trị theo hướng tham gia mảng ODM (tự thiết kế) và OBM (tự xây thương hiệu riêng) sẽ mang lại biên lợi nhuận cao. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh cao khi thị phần của các hãng thời trang đều chiếm dưới 3% thị phần cùng với sự tham gia của các thương hiệu nước ngoài như Uniqlo và H&M.

Năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 10.855 cửa hàng thời trang, giảm 832 cửa hàng so với năm 2019. Trong đó, Việt Tiến, Blue Exchange và Pierere Cardin có số lượng cửa hàng nhiều nhất. Tuy nhiên, Uniqlo và H&M lại chiếm thị phần cao nhất chỉ với 12 cửa hàng mỗi hãng vào năm 2022 và thị phần của H&M cũng tăng trưởng theo năm trong khi thị phần của các hãng nội địa khó tăng trưởng.

Việc các nhãn hiệu thời trang quốc tế ngày càng tăng trưởng thị phần có thể đến từ hành vi người tiêu dùng thích mua sản phẩm thương hiệu nước ngoài và mua theo quảng cáo hoặc khuyến nghị của bạn bè. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang chuyển dần sang mua hàng online tạo nên sự khó khăn trong việc kinh doanh thời trang. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp biết xây dựng hình ảnh thương hiệu và đẩy mạnh bán hàng online với mẫu mã phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tiến xa hơn trong chuỗi giá trị.

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu