01:09 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online gây nhiều ý kiến trái chiều

10:12 31/03/2023

(THPL) - Tại Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi do Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ, một trong những đề xuất đáng chú ý là bổ sung dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet (game online) vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, game online là loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của Internet, có tính tương tác giữa người chơi với máy chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thông qua thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game và thiết bị di động. Đề xuất cho rằng trò chơi điện tử tạo ra doanh thu, lợi nhuận lớn so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút sự tham gia của mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng.

Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối tượng chịu tác động về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự án luật đề nghị đưa dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến thông tin trên, ngày 30/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Hội thảo "Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)".

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế, kinh tế, các doanh nghiệp đều đưa ra ý kiến đối với dự thảo thuế TTĐB (sửa đổi).

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng, trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online, bao gồm nhiều định kiến như mất thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhận định nhiều trò chơi hiện nay đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ.

"Do vậy cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online", ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm

Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, Trung Quốc hiện đã có hướng dẫn rõ ràng về độ tuổi được chơi game, cũng như thời gian mỗi tuần trẻ em có thể chơi. Singapore không đánh thuế toàn bộ, nhưng với các game có yếu tố đánh bạc thì áp mức thuế cao. Đối với Thái Lan, thuế lại được áp với các nền tảng kỹ thuật số thu phí.

"Như vậy, đa số quốc gia hiện nay chưa đánh thuế, nhưng vẫn có hướng dẫn, cơ chế chính sách để điều tiết hành vi người tiêu dùng", ông Cấn Văn Lực cho biết.

Còn theo ông Dương Trường Minh, Giám đốc trung tâm GBC của GosuGamer cho rằng các công ty game tại Việt Nam đang phải đóng các khoản như thuế giá trị gia tăng (10%), thuế thu nhập doanh nghiệp (20%) và thuế nhà thầu (10%) khi hợp tác với công ty nước ngoài. Nếu áp dụng thuế TTĐB cho game online, ông Dương Trường Minh nêu lên một số hệ quả như tăng giá game, người dùng giảm, thúc đẩy việc sử dụng phần mềm trái phép.

Nhiều đại diện ở hội thảo cho rằng nếu áp thuế TTĐB với game online, người chơi hoàn toàn có thể chuyển sang các game do doanh nghiệp nước ngoài phát hành xuyên biên giới tại Việt Nam. Như vậy, mục tiêu hạn chế chơi game vừa không đạt được, vừa gây tác động ngược, tiêu cực đối với doanh nghiệp Việt.

“Game không phép, game xấu đang tạo ra các ảnh hưởng xấu vẫn hoạt động tại Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các game tốt được cấp phép. Nếu tiếp tục chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì thị trường game tốt sẽ bị thu hẹp, giống như chúng ta bảo hộ ngược, tạo điều kiện cho game xấu, game lậu có mảnh đất màu mỡ phát triển. Như vậy, vô hình trung tiếp tục đẩy nhà phát hành game Việt chuyển hướng ra nước ngoài để hưởng ưu đãi", ông Lê Xuân Hòa, Phó chủ tịch VINASA nhận định.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu