04:05 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia không độ gây nhiều ý kiến trái chiều

Thanh Mai (t/h) | 13:20 07/03/2023

(THPL) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các đồ uống có cồn (bia, rượu), nước ngọt, để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022-2023.

Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Bộ Tài chính cho rằng việc tiêu thụ, sử dụng các mặt hàng nhất là rượu, bia tăng nhanh nên cần tăng thuế để kiểm soát. Theo đó, Bộ đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt với 1 số sản phẩm, dịch vụ được xem là không có lợi cho sức khỏe như bia không độ, nước ngọt có đường, game online... Tuy nhiên, việc áp thuế đối với các sản phẩm này đang được các bên liên quan đưa ra các ý kiến khác nhau.

Cụ thể với bia không độ, theo đại diện Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), cần phải có sự tính toán cụ thể bởi đây đang là sản phẩm được khuyến khích sản xuất tại luật phòng chống tác hại rượu bia với mục đích giảm lượng tiêu thụ sản phẩm có cồn.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết: "Hiện nay, các doanh nghiệp cũng rất tích cực và đã đưa ra các sản phẩm mới tương tự bia nhưng không có cồn. Ngay cả các nước đạo hồi người ta cũng rất khuyến khích để sử dụng và những loại đó là người ta không đánh thuế hoặc đánh thuế tương tự như những loại nước giải khát không có cồn".

Đại diện Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, nhưng cần phải có sự thảo luận, phối hợp giữa bên liên quan để đưa ra mức thuế phù hợp với từng sản phẩm.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia không độ gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh hoạ

Cũng liên quan đến đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, việc đảm bảo nguồn thu ngân sách thông qua tăng thuế là cần thiết nhưng chưa nên làm ngay và kiến nghị lùi thời gian thêm 12 đến 18 tháng.

Với đồ uống có đường, theo số liệu thống kê, lượng đường trung bình trong sản phẩm nước ngọt khoảng 10-15 gram, còn trong kem hay kẹo cao gấp 3-5 lần, dao động 22-70 gram. Lượng tiêu thụ nước ngọt bình quân mỗi người dân Việt Nam thấp hơn nhiều nước, như năm 2019 gần 51 lít, trong khi Trung Quốc là 61 lít, Nhật Bản là 116 lít.

VBA cũng đưa ra quan điểm, nước ngọt không phải nguyên nhân gây bệnh béo phì. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này không giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Ngoài ra, cách tính thuế và lộ trình tăng vẫn theo cách tính tương đối, tức là tăng phần trăm thuế suất theo lộ trình. Điểm hạn chế của cách tính này là không theo chất lượng, độ đường sản phẩm.

Chính vì thế, VBA cho rằng, Bộ Tài chính nên tính thuế theo hàm lượng đường, điều này cũng góp phần xây dựng thói quen, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm của người dân.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Katsuhiko Usui, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, cho biết rượu bia, nước giải khát đã phải đối mặt với khó khăn kể từ khi xảy ra dịch COVID-19. Thị trường được dự báo dần phục hồi trong thời gian tới nhưng vẫn còn nhiều yếu tố không ổn định, như giá nguyên vật liệu trên toàn thế giới tăng vọt.

Bên cạnh đó, nếu mục tiêu tăng thuế là tăng nguồn thu có khả năng sẽ khó đạt được do tổng nhu cầu thị trường giảm sút khi mức thuế được nâng lên. Chưa kể, nếu thuế tăng người dùng có thể chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn, không an toàn và chất lượng thấp hơn. Đồng thời, cũng không loại trừ sự xuất hiện và gia tăng của hàng giả, hàng nhập lậu.

“Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần xem xét lùi thời điểm tăng thuế và nới lỏng phạm vi tăng thuế” - ông Katsuhiko Usui kiến nghị.

Còn ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính lại ủng hộ đề xuất này. Ông cho rằng đã đến lúc cần thiết phải đánh thuế vào mặt hàng này, dù đề xuất đã có từ nhiều năm trước. Các nước đã dần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Năm 2012 chỉ khoảng 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 nước thu sắc thuế trên. Trong khu vực có 6 nước gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.

"Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào nước ngọt, thời gian đầu có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất rượu bia, nước ngọt, nhưng phải nhìn nhận cả quá trình. Suốt 4 năm qua, lượng tiêu thụ nước ngọt của thị trường Việt Nam luôn tăng với mức rất lớn. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến đà tăng này chững lại, nhưng so với mức tăng trưởng liên tục trong suốt thời gian qua thì sẽ không quá ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp", TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Theo ông, nếu không có giải pháp gì, tác hại của việc sử dụng nước ngọt đến sức khỏe cũng sẽ tăng lên theo biểu đồ tăng trưởng về lượng hàng bán ra. Khi đó, chi phí y tế để chữa bệnh tim mạch, béo phì sẽ lại càng gia tăng, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu