21:46 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vì sao Bộ Tài chính tiếp tục muốn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt?

14:20 24/02/2023

(THPL) - Cùng với rượu, bia, thuốc lá, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường (nước ngọt) nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nguyên nhân chính liệu có xuất phát từ sự tăng trưởng mạnh của ngành "bộn tiền" này tại Việt Nam?

Hàng chục nghìn tỷ đồng thu mỗi năm và những tăng trưởng đáng kinh ngạc

Trên thế giới, nước giải khát là một mặt hàng có sức tiêu thụ lớn nhất nằm trong top những mặt hàng có sản lượng bán ra thuộc nhóm ngành này. Đây cũng là mặt hàng được nhiều thương hiệu nổi tiếng đầu tư và tham gia tại nhiều quốc gia, khi có lượng người sử dụng bình quân trên ngày ở mức gần 50%.

Tại Việt Nam, 85% lượng sản xuất và tiêu thụ mỗi năm của thị trường nước giải khát đến tới từ nước ngọt, trà uống liền, nước ép hoa quả các loại, nước tăng lực… 15% còn lại là từ nước khoáng, nước có ga. Bình quân người Việt nam tiêu thụ mặt hàng nước giải khát trên 23 lít/ người/ năm.

Theo thống kê, nếu như năm 2015, ngành nước giải khát nội địa đã chiếm 4,5% lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và sản xuất, đóng góp gần 20 nghìn tỉ đồng vào vào ngân sách nhà nước. Đến năm 2017, con số này đã tăng lên gần 50 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng luôn duy trì vượt lên 7% / năm. Đến nay, nếu so với các thị trường nổi tiếng tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản, với 2%/ năm, con số trên tại Việt Nam thực sự ấn tượng.

 Mức tăng trưởng của ngành giải khát luôn duy trì vượt trên 7% / năm

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước giải khát. Mức tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam cũng đã tăng mạnh, gấp 7 lần, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018. Năm 2020 đến nay, sản lượng đồ uống và nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít/ năm.

“Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu nước giải khát nước ngọt đã thành danh nhờ một thị trường tiêu thụ khổng lồ. Có thể kể đến như Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Red Bull, Công ty TNHH Lavie, Công ty Vinamilk, CocaCola Việt Nam... Toàn ngành đóng góp cho ngân sách khoảng 50.000 tỷ đồng, chiếm 2,5% ngân sách nhà nước, đứng thứ 2 sau ngành dầu khí. Dự báo, đến năm 2025, doanh thu ngành nước giải khát Việt Nam đạt gần 6 tỷ USD”, ông Nguyễn Tiến Vỵ nhấn mạnh.

Thị trường nước giải khát Việt Nam được đánh giá là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo, một khi đại dịch Covid 19 đi qua. Vậy, câu hỏi đặt ra liệu Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường (nước ngọt) phải chăng từ những nguồn thu khổng lồ ấy?

Thuế tiêu thụ đặc biệt vì quan ngại sản phẩm có hại cho sức khỏe người dân

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước ngọt, bia không cồn, thuốc lá điện tử và game online. Đây là những sản phẩm, dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng và nhiều nước đang hướng thu thuế.

Trong tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đổi Luật thuế TTĐB nhằm mở rộng cơ sở thu thuế, quan trọng hơn cả là hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, môi trường.

Các sản phẩm được Bộ Tài chính lấy ý kiến áp dụng thu thuế TTĐB là nước uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trò chơi trực tuyến (game online)…

Đối với các sản phẩm đồ uống có đường, Bộ Tài chính lý giải là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.

Tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả nam và nữ đã tăng 68%

Tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả nam và nữ đã tăng 68% trong giai đoạn 2002 đến nay. Con số của Bộ Y tế đưa ra gần đây còn khẳng định: đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất lớn về kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong cao, trùng với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong năm 2022 vừa qua.

Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế TTĐB với nước ngọt. Năm 2014, ý tưởng này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận. Bộ Kế hoạch và  Đầu tư, Bộ Tư pháp đánh giá luận cứ áp thuế khi đó chưa thực sự thuyết phục, còn Bộ Công Thương lo tác động tiêu cực tới triển vọng kinh doanh. Năm 2017, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp thuế TTĐB và cũng vấp phải những trở ngại không nhỏ và tiếp tục bị tạm dừng.

Ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp thuế TTĐB với đồ uống có đường. Tại Đông Nam Á có 6 nước gồm Thái Lan, Lào, Philippines, Malaysia, Campuchia và Myanmar áp thuế TTĐB với nước ngọt. Tại Việt Nam, bình quân người Việt tiêu thụ các mặt hàng nước giải khát khoảng 23 lít/người/năm.

“Áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có đường chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ngành nước giải khát, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất giá trị gia tăng áp dụng cho đường. Tất nhiên điều này sẽ tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm, giảm doanh số, kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động, và đặc biệt, giá bán cao còn có khả năng dẫn đến nguy cơ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng. Đây cũng chính là những quan ngại đã được tính đến”, ông Lê Phụng Hào nhấn mạnh.

Tuấn Việt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu