02:23 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Đảm bảo môi trường thương mại điện tử an toàn, minh bạch: Cần bổ sung quy định pháp lý

18:47 26/05/2024

(THPL) - Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích thương mại điện tử Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nhấn mạnh rằng để đảm bảo thị trường kinh doanh minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định sản phẩm giả và hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ sửa đổi và bổ sung các quy định pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích sự phát triển bền vững của thương mại điện tử Việt Nam.

Bộ Công Thương đang nghiên cứu và đề xuất sửa đổi các quy định như bổ sung các khái niệm mới phù hợp với Luật Giao dịch điện tử 2023 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; thêm quy định về xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.

Ngoài ra, cần phân cấp và phân quyền quản lý thương mại điện tử cho địa phương, giúp giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến hiệu quả hơn. Tăng cường trách nhiệm của các chủ sở hữu nền tảng số, người có ảnh hưởng, và các dịch vụ hỗ trợ như logistics, ISP, và dịch vụ tiếp thị liên kết cũng là điều cần thiết.

Các sàn thương mại điện tử cần tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát người bán và chất lượng sản phẩm (Ảnh minh họa)

Chính sách quản lý mạng xã hội có hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và quy định quản lý đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam cũng cần được hoàn thiện.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ khác như Bộ Công An, Bộ Tài chính để rà soát và xử lý các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng cấm. Cần lập danh sách sản phẩm bị cấm, sản phẩm nhạy cảm liên quan đến các vấn đề như đường lưỡi bò, cờ ba sọc, và xuất bản phẩm bị cấm để kiểm tra và xử lý kịp thời.

Bộ cũng đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý thị trường, công an, và thanh tra. Chú trọng vào các quy định pháp luật về thương mại điện tử, kỹ năng xác minh, thu thập chứng cứ và xử lý vi phạm, cũng như kiểm soát thông tin trên các sàn và website thương mại điện tử.

Để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần thay đổi thói quen tiêu dùng, khuyến khích người dân không mua hàng giả và phản ánh các dấu hiệu vi phạm tới cơ quan chức năng. Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị tuyên truyền về chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để doanh nghiệp hiểu và có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát hàng hóa.

Các sàn thương mại điện tử cần tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát người bán và chất lượng sản phẩm, và công khai thông tin đánh giá để người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn sản phẩm.

Về phía người tiêu dùng, không tiếp tay cho hàng giả hàng nhái và phản ánh/tố giác tới cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Tiếp tục thực hiện các Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”, giải quyết tranh chấp, khiếu nại trực tuyến. Xây dựng giải pháp, trang bị công cụ, thiết bị và hệ cơ sở dữ liệu tập trung cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành trong phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng hóa nhập lậu và chống thất thu thuế. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới quản lý thị trường địa phương để kịp thời xử lý sự cố, vụ việc vi phạm.

Trên thực tế hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bán trên môi trường mạng mà vẫn được bày bán có phần công khai tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại... Thương mại điện tử chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch...

Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, ông Trần Hữu Linh cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Hải quan, Thuế), Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng nhà nước... cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Qua đó, kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại cơ sở sản xuất trong nước và tại cửa khẩu hoặc đấu tranh phát hiện sớm hành vi vi phạm liên quan tới gian lận thương mại, trốn thuế...

Đặc biệt, cần quyết liệt và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 và Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục Quản lý thị trường về Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã đạt gần 61 triệu người và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm là 336 USD/năm. Bên cạnh đó, hạ tầng cho thương mại điện tử như logistics, giao hàng chặng cuối, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng viễn thông, Internet và các công nghệ mới đã được triển khai rộng rãi ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử cũng kéo theo nhiều hệ lụy khó kiểm soát như việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và việc tuyên truyền, phổ biến các sản phẩm cấm, bao gồm cả những sản phẩm xâm phạm chủ quyền và an ninh quốc gia.

Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Bộ Công Thương đã triển khai và tham mưu cho Chính phủ nhiều biện pháp cụ thể để giảm thiểu vấn nạn này, nhằm phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng.

Chỉ trong năm 2023, Bộ Công Thương đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ và phạt tiền tổng cộng 12 tỷ đồng, với trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ đã ban hành 14 văn bản yêu cầu các chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, website và ứng dụng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm. Kết quả là đã gỡ bỏ 23.359 sản phẩm và chặn 6.254 gian hàng vi phạm.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để rà soát và xử lý hàng trăm website, ứng dụng vi phạm mỗi năm. Nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cho Công an xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người dân.

Tiến Minh (T/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu