21:44 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đắk Nông: Tăng trưởng chăn nuôi heo thương phẩm và những hệ lụy đối với môi trường, xã hội

Nguyễn Phong | 10:19 29/03/2020

(THPL) - Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng trang trại và tổng đàn gia súc (chủ yếu là heo thịt) trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua đã làm phá vỡ quy hoạch tổng thể về chăn nuôi, tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, nguồn nước sinh hoạt, an sinh đời sống của người dân.

Tăng trưởng nóng trong chăn nuôi và gánh nặng đối với môi trường

Theo tìm hiểu của PV,  từ khoảng năm 2010 một số doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư việc chăn nuôi gia súc từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ lên khu vực Tây Nguyên. Đắk Nông là tỉnh có địa bàn tương đối rộng, mật độ dân cư thưa thớt, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thích hợp cho chăn nuôi, thêm vào đó là các ưu đãi từ chính sách mời gọi đầu tư của chính quyền điạ phương đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến với miền đất này. Chính những yếu tố đó đã tạo nên sự tăng trưởng nóng đối với ngành chăn nuôi. 

Những số liệu thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cho thấy trên toàn tỉnh hiện có 3.343 tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi heo với tổng đàn heo đăng ký là 245.416 con. Có 68 tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi vớiquy mô đàn trên 500 con, tổng đàn heo là 172.749 con, phần còn lại chủ yếu là các cá nhân chăn nuôi heo tự phát, nhỏ lẻ, gia đình. Có 58 cá nhân đầu tư xây dựng chuồng trại và hợp đồng chăn nuôi với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Đắk Nông với tổng số trên 80.000 ngàn con chiếm 1/3 số heo trên toàn tỉnh xét về quy mô tổng đàn. Những con số thống kê còn cho thấy, việc tăng nhanh về số lượng trang trại và số lượng heo như hiện nay đã tạo áp lực rất lớn đối với môi trường.

Tại công văn số 60/BC/STNMT-BVMT ngày 20/3/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã chỉ ra: "Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có rất nhiều trang trại chăn nuôi heo hình thành tự phát, đã đầu tư đi vào hoạt động; hình thức chăn nuôi là liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Các trang trại chăn nuôi heo tự phát đa số không phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chưa được cấp phép xây dựng, chưa có hồ sơ môi trường theo dúng quy định và đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.

Tại công văn số 184/BC-CAT-PC05 ngày 5/3/2020 của phòng nghiệp vụ PC05 Công An tỉnh nêu rõ: "Hầu hết các cơ sở chăn nuôi heo có quy mô lớn đã hoàn thiện các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường. Trong đó có 11 cơ sở được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường;49 cơ sở chăn nuôi được Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cấp giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại 47 cơ sở có 14/47 trang trại xây dựng vượt quy mô, công suất theo hồ sơ thiết kế và hồ sơ bảo vệ môi trường; 9/47 cơ sở hệ thống nước thải chăn nuôi bị vỡ; 11/47 cơ sở hồ chứa sau hầm bioga không lót đáy, nước thải có màu đen, bốc mùi hôi thối; 3/47 cơ sở có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường trong đó có cơ sở xả thải thông số vượt trên 480 lần”.

Thực tế cho thấy việc tổng đàn gia súc tăng nhanh trong điều kiện không phù hợp quy hoạch chăn nuôi, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không đảm bảo các điều kiện về xử lý chất thải đã gây nên áp lực rất lớn đối với môi trường sống. Các trại nằm trong hoặc gần các khu dân cư do việc xử lí chất thải chưa đảm bảo cộng thêm thói quen tận dụng nguồn chất thải này để bón cho cây trồng đã làm ô nhiễm không khí thêmnặng nề. Nguồn chất thải từ các túi bioga bị bục và từ các hầm rút chưa được xử lí tốt thẩm thấu vào mạch nước ngầm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của cư dân trong khu vực. Đặc biệt, đầu năm 2019 khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi và bệnh lở mồm long móng xẩy ra thì hệ lụy đối với môi sinh của người dân và áp lực đối với các cơ quan chức năng là vô cùng lớn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh 18 đơn thư kiến nghị, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian từ đầu 2017 đến nay.

Các cơ quan chức năng nói gì?

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp đang mong muốn đầu tư chăn nuôi tại địa phương trong bối cảnh tồn tại nhiều trang trại xây dựng tự phát diễn ra trên phạm vi nhiều huyện, thành phố, phá vỡ quy hoạch chăn nuôi của tỉnh. Các cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên-Môi trường (Sở TNMT), Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Sở NN& PTNT), phòng Cảnh sát môi trường và các cơ quan khác đã vào cuộc nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trên.

Trao đổi với phóng viên về giải pháp cho vấn nạn trên, ông Ngô Chí Trung, phó Giám đốc sở TN-MT cho biết: "Đây là bài toán khó đối với chúng tôi vì căn cứ theo luật định thì việc xử phạt thậm chí là đóng cửa các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo yêu cầu là rất dễ. Tuy nhiên, hầu hết các chủ trại nuôi đều đã chuyển đổi cơ cấu từ cây trồng sang chăn nuôi, tài sản của họ đều thế chấp để vay vốn của ngân hàng đầu tư chuồng trại. Nếu kiểm tra, xử phạt nhiều thì dân không có tiền đóng phạt, đóng cửa hàng loạt thì ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân."

"Sở TN-MT đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng và bảo vệ môi trường; sở cũng tham mưu các chế tài xử phạt cũng như hỗ trợ người dân trong lĩnh vực chăn nuôi. Tỉnh cũng chỉ đạo rất quyết liệt chỉ cho tái đàn đối với các trại đáp ứng đủ các yêu cầu, các trại gần khu dân cư không đáp ứng đủ điều kiện về vệ sinh môi trường thì kiên quyết không được tái đàn. Đối với phản ánh của người chăn nuôi về việc doanh nghiệp đẩy khó khăn trong xử lí môi trường cho người nuôi thì sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người dân để có biện pháp hỗ trợ tốt nhất cho họ. Chủ trương của tỉnh là ưu tiên những doanh nghiệp đầu tư lớn, tập trung, phù hợp theo quy hoạch về chăn nuôi cũng như đáp ứng đủ các điều kiện về TN-MT để người nuôi có thêm nhiều lựa chọn phá thế độc quyền của C.P như trước”, ông Trung cho biết thêm.

Ông Ngô Chí Trung-Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Đắk Nông

Như vậy có thể thấy, để giải quyết dứt điểm việc vi phạm trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi gia súc tại Đắk Nông hiện nay là vô cùng khó khăn. Quá trình này đòi hỏi sự hài hòa giữa việc đảm bảo các quy định của pháp luật để xây dựng nghành chăn nuôi nhưng cũng phải tính đến sinh kế của người dân. Mong rằng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cùng với các Sở, Nghành chức năng sớm tìm ra giải pháp căn cơ cho chăn nuôi nói riêng và nghành nông nghiệp nói chung trong định hướng phát triển bền vững với phương châm “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại kì họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6) ngày 27/6/2018.

Nguyễn Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu