15:14 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Đắk Nông: Ai đang “làm ngơ” cho lâm tặc “xẻ thịt” đại ngàn? (Kỳ 3)

14:46 31/10/2019

(THPL) - Hàng trăm cây gỗ đã bị lâm tặc “xẻ thịt” giữa đại ngàn mà không hề bị cơ quan chức năng huyện Đăk Glong (tỉnh Đắk Nông) ngăn chặn, xử lý kịp thời. Điều đáng nói, một số cấp dưới vì sợ liên đới trách nhiệm đã báo cáo không trung thực, “đá bóng” trách nhiệm và gây khó dễ cho phóng viên trong lúc tác nghiệp.

Báo cáo không trung thực?!

Như Thương hiệu và Pháp luật phản ánh ở loạt bài điều tra, với tiêu đề: “Thâm nhập đại công trường khai thác gỗ quy mô lớn” và “Những hình ảnh biết nói về cuộc tàn sát giữa đại ngàn”.

Trong quá trình chúng tôi thâm nhập tiểu khu 1644 và 1645, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong (tỉnh Đắk Nông), do HTX Hợp Tiến quản lý. Tại hiện trường, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã phát hiện hàng trăm cây gỗ có đường kính rất lớn đã bị “lâm tặc” triệt hạ chỉ mới vài ngày. Hàng trăm cây gỗ bị triệt hạ nằm ngổn ngang, lá cây vẫn còn xanh, nhựa cây vẫn “rỉ máu”.Tại các gốc cây bị chặt hạ, chúng tôi đều không hề thấy dấu vết kiểm tra của lực lượng chức năng chuyên trách.

Biên bản lập vội của cán bộ kiểm lâm sau khi Thương hiệu và Pháp luật phản ánh (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Điều lạ là, trong suốt quá trình chúng tôi điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ về vụ phá rừng xảy ra tại tiểu khu 1644 và 1645, chúng tôi đều không hề thấy bóng dáng của chủ rừng (HTX Hợp Tiến) hay lực lượng kiểm lâm, công an và chính quyền địa phương…

Ngay sau khi ghi nhận, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Bá Đường-Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đăk Glong. Tại buổi làm việc, ông Đường thừa nhận việc người dân thường xuyên phá rừng nhưng “bất lực”. Trong suốt quá trình làm việc, ông Đường cũng cho biết, thời gian qua có xảy ra một số vụ phá rừng nhưng diện tích chỉ khoảng 1.000m2, không có vụ nào lớn như chúng tôi phản ánh.

Ai đang “làm ngơ” cho lâm tặc “xẻ thịt” đại ngàn? (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Tuy nhiên, sau khi Thương hiệu và Pháp luật điện tử phản ánh bài viết thì chúng tôi lại nhận được cuộc gọi của ông Nguyễn Bá Đường với nội dung: “kiểm lâm địa bàn báo cáo vụ đó đã lập biên bản từ trước”?!

Nghi ngờ việc cán bộ kiểm lâm địa bàn báo cáo không trung thực, chiều 30/10, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật tiếp tục đặt lịch và có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Đăk Glong. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Đường cho chúng tôi xem 1 bộ hồ sơ vi phạm lâm luật được lập từ ngày 22/10, với nội dung: Hồi 9h20, ngày 22/10 kiểm lâm địa bàn phối hợp đội kiểm lâm cơ động tuần tra theo kế hoạch và phát hiện một đám rừng bị hủy hoại tại vị trí tọa độ: 0429497-1348900, lô 18 và 20, khoảnh 2, tiểu khu 1645.

Vị trí vụ phá rừng mà phóng viênThương hiệu và Pháp luật phát hiện (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

“Chúng tôi tiến hành đo đếm diện tích bị hủy hoại được 6.371m2 (0,6371 ha) thuộc lô 18 và 20, khoảnh 2, tiểu khu 1645. Tại hiện trường ghi nhận cây bị cắt hạ đường kính từ 35cm trở xuống, chiều dài thân cây từ 9m trở xuống, dấu vết cắt hạ bằng cưa xăng, lá cây đang còn xanh tươi, thân cây còn tươi, dấu vết cắt tươi nguyên, thời gian khoảng ngày hôm trước. Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi không phát hiện có đối tượng”, biên bản, nêu rõ.

Theo biên bản lập ngày 22/10 thì đến thời điểm chúng tôi làm việc lần 2 với Hạt kiểm lâm huyện Đăk Glong là đã 8 ngày, nhưng vì sao cán bộ kiểm lâm địa bàn vẫn chưa thống kê được số lượng gỗ, chủng loại gỗ bị lâm tặc triệt hạ? Phải chăng, biên bản lập ngày 22/10 là biên bản “khống”, biên bản lập vội sau khi phóng viên phản ánh để nhằm né tránh trách nhiệm?

Một cây gỗ có đường kính rất lớn nhưng cán bộ kiểm lâm báo cáo gian dối (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Trong một diễn biến khác, một cán bộ kiểm lâm (xin được giấu tên), khẳng định: “Ngay khi phát hiện vụ việc, cán bộ có liên quan phải lập biên bản hiện trường. Ngay sau đó phải kiểm tra, thống kê số lượng gỗ, chủng loại bị chặt hạ và có đề xuất để cơ quan chức năng điều tra, khởi tố. Nhưng đến nay là 8 ngày mà chưa thống kê được việc đó thì rất “mập mờ”, cần phải làm rõ”.

Kẻ gây khó dễ, người “đá bóng” trách nhiệm

Liên quan đến vụ phá rừng xảy ra tại tiểu khu 1645, do HTX Hợp Tiến quản lý. Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Điệp-Giám đốc HTX Hợp Tiến. Ông Điệp, cho biết: “Tôi mới nhận chức vụ lãnh đạo HTX Hợp Tiến được 6 ngày, còn trước đó có xảy ra phá rừng thì tôi không biết và lúc đó là ông Vui đương nhiệm (đã bị bắt-PV)”.

Chi cục kiểm lâm Đắk Nông đang gây khó dễ cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Để rộng đường dư luận, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã tìm đến Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Nông. Tại đây, bà Đặng Thị Kim Ngân- Phó trưởng phòng HC-TH, khẳng định: “Phóng viên muốn làm việc với lãnh đạo Chi cục kiểm lâm thì bắt buộc phải đăng kí phóng viên thường trú tại tỉnh Đắk Nông, còn không đăng kí thì không được làm việc”.

Khi chúng tôi đang thắc mắc thì nữ phó phòng này chốt một câu: “Đây là quy định của tỉnh Đắk Nông”.

Rõ ràng, dư luận có lý do để quy kết về việc, phải chăng có thế lực nào đó đứng sau để “chống lưng” cho những đối tượng ngang nhiên phá rừng tại tỉnh Đắk Nông. Bởi cán bộ cấp dưới thì báo cáo không trung thực về tình trạng phá rừng diễn ra giữa ban ngày. Bên cạnh đó, một số cán bộ thì cố tình “đá bóng” trách nhiệm và nguy hiểm hơn là cản trở, gây khó dễ cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp, thu thập thông tin.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Hàn Hưng- Nguyễn Quân- Trần Nhật

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu