04:53 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đà Nẵng: Hàng loạt nhà trọ bị rao bán vì áp lực lãi ngân hàng

16:28 14/09/2021

(THPL) - Thời gian gần đây, trên các trang website rao bán nhà đất, mỗi ngày đều có hàng trăm thông tin của các cơ sở khách sạn, homestay, thậm chí nhà trọ tại Đà Nẵng cũng đều được rao bán, sang nhượng.

Theo đó, trên các trang rao bán nhà đất từ tháng 7 đến nay, có rất nhiều bài đăng rao bán nhà trọ ở quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Hải Châu và Cẩm Lệ. Tùy theo diện tích, vị trí lô đất, số phòng trọ mà giá môi giới rao bán dao động từ 2 tỷ đồng đến gần 15 tỷ đồng.

Thông tin bán hàng loạt dãy trọ ở Đà Nẵng. (Ảnh chụp màn hình).

Theo trang Doanh nghiệp niêm yết, đầu năm 2021, anh Thành vay tiền ngân hàng xây 10 căn phòng trọ cho thuê ở quận Liên Chiểu. Anh Thành đinh ninh tiền cho thuê phòng được sẽ giúp anh trả lãi mà không phải lo lắng. Tuy nhiên, người thuê ít, dịch COVID-19 bùng phát sau đó nên anh Văn Thành rao bán miếng đất và cả dãy trọ.

"Tôi mua miếng đất bằng tiền vay ngân hàng nhưng chưa trả hết, sau đó tôi vay thêm để xây dãy trọ mục đích lấy tiền đó trả cho cả hai khoản. Chúng tôi cho thuê được ba phòng, còn lại phải bỏ trống. Tôi bàn với người thân tìm cách xoay xở tiền gốc và lãi vay trong khi chờ tình hình dịch bệnh khá hơn", anh Thành chia sẻ.

Một trường hợp khác là chị Khánh My vay ngân hàng 700 triệu đồng xây dãy trọ 5 phòng ở gần KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ cho công nhân thuê. Trước đợt dịch, các phòng trọ kín phòng.

"Dịch bùng phát lại, công nhân bị cho nghỉ việc dần nên họ trả lại phòng về quê. Gia đình tôi lấy tiền cá nhân để lo lãi vay. Tuy nhiên dịch nặng nề quá, hai vợ chồng cũng mất việc làm, không còn khả năng lo cho thời gian tới nên quyết định bán sớm", chị Khánh My chia sẻ.

Một tin đăng bán dãy trọ 10 phòng ở quận Liên Chiểu với giá 6 tỷ đồng cho biết, dãy trọ nằm ở mặt tiền, cho thu nhập 25 triệu đồng/tháng.

Trước đó, báo VietNamnet đưa tin, những dòng thông tin đi kèm với việc rao bán luôn là “nợ ngân hàng, cần bán gấp”. Với những khách sạn rao bán, đa phần chủ đầu tư đều phải vay ngân hàng từ 50 đến 70%. Dịch bệnh nửa năm qua đã khiến họ gặp khủng hoảng tài chính nặng nề, nợ xấu ngày càng tăng lên buộc phải bán tháo những tài sản đang có, trong đó có cả chính cơ sở khách sạn. 

Chị Nguyễn Hoa, chủ một khách sạn tại quận Sơn Trà từng cho biết: “Lượng khách hiện nay đa phần là nội địa nhưng tâm lý người dân đang chọn nơi nào vừa rẻ vừa đẹp để đi chơi. Các resort, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao hiện nay đang giảm giá rất nhiều, đó là chưa kể các công ty lữ hành bán gói du lịch với nhiều ưu đãi tặng kèm để thu hút khách. Vì vậy, các khách sạn từ 3 sao trở xuống, nằm sát biển, cơ sở tốt đến mấy cũng không thể kéo khách về. Trong khi đó, việc duy trì một khách sạn cần tiền tỷ với hàng trăm nhân sự. Nhiều cơ sở lưu trú đến nay vẫn chưa mở cửa trở lại là vì cạn nguồn tài chính. Nhiều nơi khác thậm chí nợ ngân hàng thì rao bán. Nếu nói du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất do dịch bệnh COVID-19 thì ngành khách sạn bị “thấm đòn đau nhất”.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu