14:09 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều ngân hàng rao bán "đại hạ giá" bất động sản ế ẩm để thu hồi nợ xấu

16:40 09/07/2021

(THPL) - Gần đây, nhiều ngân hàng lớn như Sacombank, BIDV, Vietcombank… liên tục có các thông báo bán đấu giá tài sản, khoản nợ để xử lý nợ xấu. Trong đó, có nhiều BĐS mà các chủ nợ thế chấp ở ngân hàng được rao bán với mức giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với mức giá rao bán ban đầu.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB ) thông báo sẽ bán đấu giá loạt khoản nợ của các doanh nghiệp và cá nhân với dư nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng vào cuối tháng 7/2021. Đáng chú ý là các khoản nợ này đều được ngân hàng hạ giá rất nhiều so với dư nợ cho vay.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp cho hay, Sacombank thông báo ngân hàng này sẽ bán đấu giá khoản nợ gần 200 tỷ đồng (tính đến 15/10/2020) của Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải. Tài sản bảo đảm là hợp đồng mua bán các căn hộ thuộc Dự án Happy Plaza, Lô A10 đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Khoản nợ này được Sacombank đặt giá khởi điểm khá thấp so với số dư nợ cho vay, chỉ hơn 105 tỷ đồng, tương đương hơn 53%.

Đồng thời, Sacombank sẽ bán khoản nợ gần 474 tỷ đồng (tính đến 31/12/2019) của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ với giá khởi điểm hơn 108 tỷ đồng, chưa bằng 1/4 tổng số dư nợ cho vay. Tài sản đảm bảo (TSĐB) của khoản vay này là bất động sản tại số 21 - 23 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, TP.HCM. Ngoài ra, Sacombank cũng bán khoản nợ của Công ty CP Ngọc Sương, tổng dư nợ tới ngày 30/6/2019 là hơn 121 tỷ đồng, gồm 48,7 tỷ đồng nợ gốc, hơn 48 tỷ đồng tiền lãi trong hạn và hơn 24 tỷ đồng tiền lãi quá hạn...

Nhiều ngân hàng rao bán "đại hạ giá" bất động sản để thu hồi nợ xấu (Ảnh minh họa)

Ngân hàng BIDV mới đây rao bán 2 khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Cao Nguyên với giá khởi điểm 312,2 tỷ. Cả 2 khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo là Dự án Khu dân cư khu phố 4, phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM mà 2 công ty đang đầu tư.

Hai khoản nợ này có dư nợ tạm tính đến 6/5/2021 gồm: Khoản nợ tại Nhà Bách Giang là 236,7 tỷ và khoản nợ của Công ty Cao Nguyên là 245,2 tỷ đồng. Đây là lần thứ 5 BIDV thông báo rao bán 2 khoản nợ này, 4 lần trước đã rao bán nhưng không có nhà đầu tư quan tâm. Nếu so với lần rao bán gần nhất vào tháng 5, mức giá giảm 10% còn nếu so với lần đầu (tháng 3) mức giá giảm khoảng 30%.

Theo Tri thức trẻ thông tin, mới đây, ngân hàng Vietcombank đã rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn lần thứ 8 với giá khởi điểm 22,8 tỷ. Được biết, tổng dư nợ của Công ty Việt Trường Sơn tại ngân hàng hiện nay là 33,4 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 5 bất động sản tại TP. Đà Lạt và một bất động sản tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Vietcombank trước đó đã bán đấu giá khoản nợ này liên tục từ tháng 10/2020, nhưng qua 7 lần rao bán và hạ giá, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia. Trong lần rao bán đầu tiên, giá khởi điểm của khoản nợ lên tới 38,6 tỷ, cao hơn 70% so với giá khởi điểm hiện tại.

Ngân hàng ViettinBank cũng phát đi gần 20 thông báo bán đấu giá tài sản và khoản nợ để xử lý nợ với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Một số khoản nợ và tài sản trong đó cũng đã được ngân hàng nhiều lần rao bán nhưng bất thành.

Theo giới chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng rao bán tài sản là nợ xấu nhiều lần nhưng không thành công, mặc dù đã giảm giá nhiều lần so với dư nợ cho vay là do các quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp. Nhiều mảnh đất là TSĐB của các khoản nợ đôi khi có lịch sử phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên để sang tên sở hữu mất nhiều thời gian, thậm chí không thực hiện được.

"Việc các ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản là đất ở và bất động sản nhằm thu hồi nợ được đánh giá là cơ hội khi thị trường tăng cung, nhất là khi mức giá mà các ngân hàng đưa ra thường được nhìn nhận là khá hấp dẫn so với mặt bằng giá thị trường. Tuy nhiên, việc mua lại nhà ở, bất động sản là tài sản thế chấp khoản vay từ các ngân hàng không đơn giản do đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản, đến sự đồng thuận của chủ tài sản cũng như các cơ sở pháp lý về quyền mua và quyền bán của ngân hàng, nên người mua cũng thận trọng hơn. Do đó, các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi bán đấu giá tài sản liên quan đến các khoản nợ xấu. Thậm chí TSĐB được rao bán với giá thấp hơn cũng không được quan tâm", một chuyên gia cho biết.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu