16:56 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cơ hội xuất khẩu sang thị trường lớn Trung Đông - châu Phi

07:36 06/10/2020

(THPL) - Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển hợp tác thương mại với các thị trường mới, giàu tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi là một trong những giải pháp mà Việt Nam cần hướng tới, đó cũng là mục tiêu quan trọng để từng bước hoàn thiện quá trình kết nối kinh tế toàn cầu.

Theo tổng kết của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện tại Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với tất cả 70 quốc gia ở Trung Đông – châu Phi. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với hai khu vực này đã tăng hơn 9 lần từ năm 2005 đến nay.

Việt Nam đã kết nối thương mại với tất cả 70 quốc gia ở Trung Đông – châu Phi

Nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và chuyên gia đang là những lĩnh vực có nhiều chuyển biến trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi. Các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Trung Đông – châu Phi ngày càng phát triển đa dạng. Ngoài các mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày, đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc, thiết bị phụ tùng.

Các nước Trung Đông và châu Phi có nguồn tài nguyên chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và các loại quặng. Đối với hàng lương thực, thực phẩm họ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Các kênh phân phối hàng hóa như chuỗi siêu thị, chuỗi bán lẻ được trải dài khắp các quốc gia trong khu vực nên nếu sản phẩm của Việt Nam vào được một nước thuộc Trung Đông – châu Phi cũng sẽ có cơ hội vào được quốc gia khác trong khu vực.

Cũng cần phải nói thêm rằng, khối thị trường Trung Đông – châu Phi không đòi hỏi cao về yêu cầu kỹ thuật như thị trường EU hay những thị trường khó tính khác. Tuy nhiên,  theo Thương vụ Việt Nam tại Angieri, khi thúc đẩy giao thương với thị trường Trung Đông - châu Phi, các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn nhất định. Cụ thể, dịch Covid-19 làm cho giá dầu (nguồn thu chủ yếu) ở các nước này giảm kéo theo ngoại tệ của họ giảm, khiến một số nước có chính sách giảm nhập khẩu. Trong đó, Angieri đã cấm nhập khẩu một số loại trái cây như cam, quýt  khi nước này vào mùa thu hoạch. Ngoài ra, tại Trung Đông – châu Phi, hàng Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của nhiều quốc gia khác như: Gạo, ngũ cốc (Ấn Độ); chè, cà phê, gia vị (Trung Quốc, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất); nông sản (Thái Lan, Ấn Độ).

Trước thực tế đó, để hàng Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Trung Đông – châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ sản xuất để sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm của những nước khác. Đồng thời, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này không chỉ hướng vào người tiêu dùng nước sở tại, mà cũng cần hướng tới những người nước ngoài sinh sống ở đây như người Ấn Độ và các nước châu Á khác.

Môi trường kinh doanh của Trung Đông – châu Phi đang ngày càng được cải thiện nhờ xu thế hòa bình và tăng cường liên kết khu vực, với dân số khoảng 1,6 tỷ người trên diện tích hơn 36 triệu km2, chiếm khoảng 7% GDP toàn cầu.  Đồng thời, cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều sản phẩm phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khối thị trường Trung Đông – châu Phi thực sự là thị trường đa dạng, dư địa mở rộng hợp tác thương mại giữa Việt Nam với khu vực này là rất lớn.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu