15:10 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Chuyển đổi số bất động sản đang ở đâu?

20:42 08/10/2022

(THPL) - Vai trò của chuyển đổi số là rất lớn, nhưng việc áp dụng chuyển đổi số tại Việt Nam đã thực sự phổ biến? Và trong lĩnh vực bất động sản, đây vẫn là một câu hỏi còn nhiều bỏ ngỏ.

Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam do Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và CTCP Tập đoàn Meey Land phối hợp tổ chức sáng nay (7/10), ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Meey Land đánh giá thị trường bất động sản đang có nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, trong bức tranh không nhiều điểm sáng ở những năm gần đây, thị trường bất động sản vẫn còn hy vọng khi đã tìm thấy được một số cơ hội cho chuyển đổi số, công nghệ bất động sản. Các hoạt động mở bán, giao dịch online vẫn diễn ra, nhờ có công nghệ đã tăng tính hiệu quả của thị trường. Công nghệ cũng hỗ trợ khảo sát các thông tin từ nhu cầu đến số vốn của khách hàng để chủ đầu tư có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp.

Ông Chung phân tích thêm, trước đây, để tham gia, tìm hiểu về thị trường bất động sản cần phải có cả bộ máy, nhiều con người, nhưng nay sử dụng công nghệ thì chỉ trong tích tắc. Việc nhập dữ liệu giúp dễ dàng thu thập thông tin, tiếp cận khách hàng chuẩn xác, đồng thời giúp xử lý thông tin, giao dịch, hậu mãi quản lý sau bán hàng… đều có thể ứng dụng công nghệ rất tốt.

Thực tế cho tới nay, các đối tượng tham gia vào chuỗi bất động sản là rất lớn từ cá nhân, tổ chức, với các khâu là giao dịch mua bán, cho thuê, bảo trì…, nhưng hiện Proptech tại Việt Nam chưa có dữ liệu người dùng lớn. Song song đó, ứng dụng công nghệ vào bất động sản ở nước ta còn rất chậm, đi sau so với mặt bằng chung. 

"Các Proptech ở Việt Nam có thể kể đến như: Propzy, Homebase, Infina, Revex... Quy mô thị trường lớn, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp đang dần dần đóng cửa và các đơn vị còn lại cũng đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể tồn tại. Thị trường biến động, nhân sự biến động, nếu không có am hiểu về bất động sản, chỉ cần tác động một chút là sẽ bị đào thải. Thực sự chưa có đơn vị nào có thể coi là điểm sáng rõ ràng, mỗi doanh nghiệp chỉ giải quyết một góc hẹp trong thị trường nhỏ", ông Chung cho biết.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này theo đánh giá của ông Chung là do có quá nhiều khó khăn liên quan đến con người, công nghệ. Thậm chí, doanh thu trong giai đoạn đầu đối với các doanh nghiệp công nghệ bất động sản cũng rất ít, rất khó để các doanh nghiệp đủ quay vòng vốn. Vì vậy, không có nhiều doanh nghiệp theo đuổi được lĩnh vực này.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, ông Nguyễn Công Chính - Giám đốc Công nghệ, Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty cổ phần Dịch vụ & Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, công tác chuyển đổi số từ năm 2017, khi đó Ban Chuyển đổi số đã ngồi lại với nhau và nói đùa rằng "thế giới 4.0 nhưng thực tế mình đang 0.4". Khi đó, ở Đất Xanh Miền Bắc cũng như nhiều chủ đầu tư khác, bảng hàng vẫn dùng Excel.

Đến hiện tại đã là 5 năm nhưng Đất Xanh Miền Bắc mới đi được khoảng 1/3 quãng đường. Tổng hợp lại thì có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân khách quan có thể thấy, do đặc thù của ngành môi giới, khách hàng không thích thanh toán qua ngân hàng, phần lớn đều thanh toán tiền mặt.

Bên cạnh đó, giá trị giao dịch khá lớn, phí thanh toán online rất cao, Đất Xanh Miền Bắc đã làm việc với một vài đối tác thanh toán thì phí giao dịch thấp nhất là 0,6% trên giao dịch. Vì vậy, muốn đưa công nghệ vào để khép lại giao dịch một cách nhanh chóng thì gặp trở ngại, tức là thanh toán online không khả thi.

Chưa kể - như ông Chính đánh giá - là thiếu điều kiện thuận lợi về chính sách. “Năm 2018 có phong trào đưa lên Blockchain, Ban Chuyển đổi số của Đất Xanh Miền Bắc cũng có làm việc với giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng sau một thời gian đưa vào thử nghiệm thì tồn tại rất nhiều bất cập. Chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sổ đỏ, sổ hồng cấp cho chủ sở hữu mới có đủ cơ sở triển khai giải pháp quản lý tài sản, số hóa trong công tác quản lý tài sản. Doanh nghiệp không thể làm được điều này”, ông Chính chia sẻ.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, Việt Nam không hề chậm trong việc chuyển đổi số, tuy vậy, nhìn nhận thực tế vẫn có một số lĩnh vực chậm áp dụng, trong đó có bất động sản. Nguyên nhân trước hết nằm ở nhu cầu chuyển đổi số. Khi nhu cầu chưa cao thì việc áp dụng, sử dụng chưa lớn. Vì vậy, chúng ta đang thiếu một lượng dữ liệu lớn - Big Data. Khi Big Data còn thiếu thì sẽ khó để chuyển đổi số. Chưa tính tới việc an ninh, bảo mật chưa đảm bảo dễ tạo nguy cơ cho việc áp dụng công nghệ. Vấn đề về vốn đầu tư và nhân lực cho việc chuyển đổi số cũng không dễ để tạo ra các công nghệ đủ tốt phục vụ đa mục tiêu khi thực hiện chuyển đổi số.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, chuyển đổi số tại thị trường bất động sản Việt Nam còn chậm bởi các chủ thể tham gia thị trường bất động sản hiện nay không phải ai cũng nhận thức về công nghệ một cách đầy đủ. Những gì đã ăn sâu vào gốc rễ tiềm thức thì sẽ rất khó để thay đổi. Đơn cử như việc xây dựng một công trình, nhà ở, dự án, việc chuyển đổi số mới chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm năng lượng, ứng dụng vật liệu xanh chứ chưa ứng dụng được những công nghệ cao hơn trong quá trình đầu tư, phát triển, vận hành".

"Riêng trong lĩnh vực bất động sản, việc chuyển đổi số là tất yếu mang tính sống còn. Cả thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, không có lý do gì Việt Nam không bắt kịp xu hướng này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xác định quyền sử dụng đất, đánh giá thuế nhà, thuế chuyển nhượng vẫn đang rất khó khăn, chưa có cách xác định giá chính xác vì chưa có các số liệu chính xác về giao dịch bất động sản thực tế. Do đó, trước tiên, cần có hệ thống thông tin chuẩn xác nhất về thị trường mới thực hiện được", ông Hà nhấn mạnh.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu