07:23 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cặp vợ chồng nặn tò he mưu sinh xuyên Tết

07:46 12/02/2024

(THPL) - Đã có nhiều năm gắn bó với nghề nặn tò he, vợ chồng anh Đậu Bá Thắng (SN 1983) và chị Lê Thị Chiên (SN 1986), trú ở xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống chưa có năm nào ăn Tết ở nhà với các con. Mỗi dịp Tết đến xuân về, cặp vợ chồng “tò he” lại cùng nhau rong ruổi cùng chiếc xe đưa nét đẹp văn hóa dân gian đến khắp mọi miền đất nước để mưu sinh.

Vào những ngày cuối cùng của năm Quý Mão (2023), vợ chồng chị Lê Thị Chiên, trú tại xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa tất bật nhào bột, nặn tò he là sản phẩm đồ chơi dân gian truyền thống.

Để mưu sinh thì đối với vợ chồng chị Chiên đây là thời điểm có nhiều địa phương tổ chức các chương trình tất niên, chào năm mới nên anh chị tranh thủ làm tò he đi bán kiếm thêm thu nhập phát triển kinh tế gia đình và điều quan trọng đó là nghề để anh chị mưu sinh nuôi các con ăn học.

Vợ chồng anh Thắng, chị Chiên chắt chiu từng sản phẩm tò he.

Qua tìm hiểu được biết, chị Chiên vốn sinh ra ở làng nghề làm tò he Xuân La, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, nên từ khi còn bé, chị Chiên đã được bố mẹ truyền dạy cách làm tò he. Năm nay 38 tuổi, nhưng chị Chiên đã có hơn nửa tuổi đời gắn bó với nghề nặn tò he.

Trao đổi với PV, chị Chiên cho biết, "Tôi biết đến nghề nặn tò he nhờ bố mẹ đẻ chỉ dạy. Đến khi lớn lên đi học và lập gia đình, tôi vẫn giữ niềm yêu thích với nghề. Tôi rất hạnh phúc vì chồng tôi cũng chung niềm đam mê, được bố mẹ truyền dạy món nghề truyền thống này, cũng chẳng biết từ khi nào chồng chị Chiên là anh Đậu Bá Thắng cũng đã bén duyên vời nghề nặn tò he.

Sản phẩm tò he của anh chị được đông đảo các học sinh ở Thành thị thích thú.

Đến nay đã hơn 14 năm vợ chồng tôi nặn tò he và đi đến nhiều tỉnh, thành của cả nước. Đây không chỉ là món nghề mưu sinh mà còn mang nhiều ý nghĩa trong gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian, dù nghề này mang lại thu nhập không cao cho anh chị xong đó lại là làm anh chị bén duyên và gắn bó cùng nhau để làm nghề cũng phát triển kinh tế gia đình", chị Chiên tâm sự.

Chia sẻ về những khó khăn của nghề trong thời buổi kinh tế hội nhập có nhiều trò chơi hiện đại chiếm lĩnh trò chơi tò he truyền thống do anh chị sản xuất thủ công, chị Chiên nói: “Trước đây tò he là đồ chơi được nhiều trẻ em yêu quý. Ngày nay, thị trường có nhiều đồ chơi hiện đại, đa dạng nên tò he dần bị mai một, rất khó khăn, thị trường tiêu dùng ngày càng bị hạn chế, đa phần các trẻ em được bố mẹ đầu tư cho những trò chơi hiện đại nên cũng không mấy mặn mà với trò tò he, nhưng dù ở thành thị hay nông thôn có phát triển đến đâu thì nghề nặn tò hè chính là “hồn quê, tích quê" nên chúng tôi vẫn tin tưởng nghề nặn tò hè sẽ có cơ hội để tồn tại, chị Chiên chia sẻ.

Chị Chiên đang tỉ mỉ với sản phẩm tò he để đưa ra thị trường.

Để giữ được lửa nghề, chị Chiên cũng phải rất cố gắng. Vì  là người con ở làng nghề làm tò he nổi tiếng, chị Chiên luôn mong muốn lưu giữ và đưa những sản phẩm tò he đến nhiều địa phương, được nhiều người biết đến, phần vì văn hóa, phần nữa cũng vì tình yêu của chị với nghề rất lớn, dù cuộc sống của anh chị còn bộn bề những khó khăn về vật chất.

Với nghề làm tò he, thật sự rất vất vả, đòi hỏi sự khéo tay. Để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện phải mất rất nhiều công đoạn, từ chế biến bột, pha màu đến nặn tạo hình. "Trước đây tò he hay còn có tên gọi khác là "đồ chơi chim cò" được làm bằng bột gạo nếp, nhưng ngày nay tò he được làm chủ yếu bằng đất nặn pha bột nếp. Quá trình làm tò he, khó nhất là khâu làm bột nặn. Khi làm bột thì bột phải mịn, dẻo, không dính tay thì khi nặn tò he mới chuẩn và dễ dàng tạo ra các sản phẩm mà mình cũng như người mua ưng ý".

Hàng trăm sản phẩm tò he được anh chị chuẩn bị đưa ra phục vụ các thượng khách nhí.

Tò he được làm theo phương pháp thủ công, nhiều người nghĩ không quá khó để tạo ra nó. Tuy nhiên, chị Chiên cho hay quá trình nặn tò he đòi hỏi những nghệ nhân phải khéo tay, ước lượng được phần bột nặn chính xác cho từng chi tiết, từng sợi lông, cái mắt...của sản phẩm phải làm sao cho sản phẩm khi hoàn thành phải có hồn và bắt mắt thì người mua mới thích và nhất là trẻ em các cháu phải thấy được sự ngộ nghĩnh có phần tinh nghịch trong mỗi sản phẩm khi lựa chọn.

Thông thường, anh Thắng chị Chiên mất khoảng 3-5 phút để tạo ra một sản phẩm tò he. Khác với tò he trước kia, các sản phẩm tò he ngày nay được đa dạng về mẫu mã, hình thù với các nhân vật hoạt hình, siêu nhân, công chúa, búp bê và các con vật... Hiện một con tò he được chị Chiên bán ra thị trường với giá hơn 20.000 đồng.

Cận cảnh một sản phẩm được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của chị Chiên.

Cũng theo chị Chiên, công việc vất vả nhưng để bán được sản phẩm lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Vợ chồng chị thường bán tò he ở khu vực trước cổng trường, khu vui chơi, khu du lịch, phố đi bộ và các dịp Tết, lễ hội.

Vốn đặc thù phải di chuyển nhiều nơi nên vợ chồng chị cũng "nếm" không ít những kỷ niệm vui buồn với nghề. Đặc biệt là những lần ăn Tết xa nhà trên khắp mọi miền đất nước, khắp các nơi từ nông thôn đến thành phố họ đều nô nức đón tết, được về bên người thân gia đình còn anh chị phải lặn lội “xa tết” xa gia đình và đặc biệt xa con để nặn tò he mưa sinh mong cho con cái có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Bằng tình yêu với nghề anh chị đã xuyên tết mang văn hóa dân gian đến với các trẻ em từ thành thị tới nông thôn.

Chia sẻ với PV, chị Chiên nói: "Tò he bán chạy nhất vào thời điểm dịp cuối năm và vào các dịp Tết, lễ hội. Vì vậy mà nhiều năm, vợ chồng tôi không ăn Tết ở nhà. Khoảng 27 tháng Chạp là cả gia đình ăn Tết trước, đến đêm giao thừa chúng tôi cùng nhau rong ruổi chiếc xe tò he đi khắp các lễ hội, đến nhiều tỉnh, thành để bán hàng. Ngoài một số tỉnh phía Bắc và miền Trung, có lần vào tận An Giang để bán hàng".

Mặc dù công việc vất vả, phải di chuyển ở nhiều nơi nhưng nhiều năm qua, chị Chiên vẫn miệt mài, đam mê với nghề tò he. Chia sẻ với PV về dự định trong thời gian tới cho nghề "nay đây mai đó" mỗi dịp tết đến, xuân về, chị Chiên cho biết, anh chị có dự định sẽ xây dựng tò he thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại vùng đất Thanh Hóa. Đồng thời, tiếp tục giữ lửa nghề, truyền dạy những kinh nghiệm quý báu cho thế hệ sau để giữ gìn và phát huy hơn nữa nghề nặn tò he.

Duy Phúc

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu