19:35 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cà phê Việt còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Na Uy

Tú Anh (t/h) | 16:12 06/09/2023

(THPL) - Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Na Uy tăng từ 0,47% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 1,36% trong 6 tháng đầu năm 2023. Kết quả này cho thấy, Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa khi xuất khẩu cà phê sang Na Uy.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, 6 tháng đầu năm 2023, Na Uy nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt 18,78 nghìn tấn, trị giá 123,4 triệu USD, tăng 1,3% về lượng, nhưng giảm 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm, Na Uy nhập khẩu chủ yếu cà phê, trừ cà phê rang xay và loại bỏ caffein (HS 090111), lượng đạt gần 15 nghìn tấn, trị giá 78,76 triệu USD, tăng 1,1% về lượng, nhưng giảm 6,6% về trị giá, tỷ trọng chiếm 79,8% tổng lượng.

Tiếp theo là chủng loại cà phê rang, không bao gồm cà phê đã khử caffein (HS 090121), lượng đạt 3,61 nghìn tấn, trị giá 42,9 triệu USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 5,2% về trị giá, tỷ trọng chiếm 19,24% tổng lượng.

6 tháng đầu năm 2023, Na Uy nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các thị trường Brazil, Colombia, Thụy Điển, Guatemala. Đáng chú ý, Na Uy tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ Honduras và Việt Nam.

Cà phê Việt còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Na Uy. Ảnh minh hoạ

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Na Uy trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng đạt 7,74 nghìn tấn, trị giá 38,51 triệu USD, tăng 0,1% về lượng, nhưng giảm 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Na Uy giảm nhẹ từ 41,76% trong 6 tháng đầu năm 2022 xuống 41,24% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý, Na Uy tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ Honduras, tăng 105,3% về lượng và tăng 74,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 626 tấn, trị giá 3,42 triệu USD. Thị phần cà phê của Honduras trong tổng lượng nhập khẩu của Na Uy tăng từ 1,65% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 3,33% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tương tự, Na Uy tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, tăng 191,6% về lượng và tăng 167,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 256 tấn, trị giá 746 nghìn USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Na Uy tăng từ 0,47% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 1,36% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Những số liệu trên cho thấy, cà phê Việt còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Na Uy. Và để đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội gia tăng thị phần, chú trọng chất lượng sản phẩm...tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ cà phê. 

Tại thị trường trong nước, ghi nhận trong sáng nay 6/9, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ đảo chiều giảm tương đối mạnh 500 đồng/kg đưa giá thu mua cà phê trong nước về mức 65.300 – 66.200 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất tại Đắk Nông, trong khi giá thu mua thấp nhất ghi nhận tại Lâm Đồng.

Tuy có chiều hướng giảm nhẹ, song nhìn chung, giá cà phê đang duy trì tại mức cao trong lịch sử, đạt 2.459 USD/tấn trong 8 tháng đầu năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đây vốn là tin vui đối với nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê.

Giá cà phê dự báo sẽ tiếp tục tăng khi tại một số tỉnh trọng điểm trồng cà phê thực tế cho thấy, lượng cà phê dự trữ trong nhân dân và một số doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết. Nhìn xa hơn, triển vọng nguồn cung cà phê vẫn không mấy tích cực trong niên vụ 2023/2024. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ sắp tới chỉ ở mức 27,5 triệu bao loại 60 kg, mức thấp nhất trong 3 niên vụ gần đây. Kết hợp cùng cảnh báo từ Trung tâm Dự đoán Khí hậu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), El Nino đã xuất hiện và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mùa vụ cà phê tại các quốc gia sản xuất hàng đầu Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, khiến cho vấn đề hồi phục nguồn cung cà phê tại đây vẫn là một thách thức lớn.

Không riêng tại Việt Nam, hai quốc gia cung ứng cà phê lớn trên thế giới khác là Brazil và Indonesia đều cho thấy những tín hiệu không mấy khả quan về nguồn cung cà phê niên vụ 2023/2024. Thậm chí, USDA còn dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 tại Indonesia chỉ khoảng 9,7 triệu bao, giảm về mức thấp nhất trong 12 năm.

Tuy nhiên, tín hiệu vui trên thị trường cà phê là thay vì xuất khẩu cà phê thô như trước đây, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao. Đây là cơ hội để chinh phục những thị trường khó tính, nâng cao thương hiệu cà phê Việt trên thị trường quốc tế.

Trong khi nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam ưa chuộng cà phê Robusta, thị hiếu của thế giới đa phần lại ưa chuộng cà phê Arabica. Tuy nhiên, do giá cà phê Robusta hiện thấp hơn Arabica, trong khi sản lượng đang ở mức thấp nên nhu cầu loại cà phê này vẫn rất cao và dư địa để tăng giá là có thể.

Hiện tại, trên nhiều vùng trồng 2 loại cà phê này của Việt Nam đều đang thay đổi phương thức canh tác theo hướng xanh, sạch, gắn với bảo vệ môi trường... để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao cho xuất khẩu. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, cả nước sẽ trồng tái canh 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha cà phê, trong đó cà phê Arabica chiếm khoảng 20% tổng diện tích. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cho năng suất cao và chất lượng vượt trội.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu