03:34 ngày 17/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tự ý tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu

19:53 11/07/2024

(THPL) - Bộ Y tế khuyến cáo người dân không hoang mang, không tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, không tự ý tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan y tế trong vùng có dịch.

Theo Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch.

Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.

Hiện nay, đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất.

Tại Việt Nam đã triển khai tiêm 5 liều vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi, lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để tạo miễn dịch lâu dài, cũng như lịch tiêm chủng của quốc gia trên thế giới, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em trong các độ tuổi quan trọng.

Lực lượng y tế triển khai tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu tại Gia Lai. Ảnh: SKĐS

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, việc bổ sung liều vaccine cần dựa trên tình hình dịch tễ học cụ thể của từng quốc gia và đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh. 

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân:

Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp phải hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Những người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

Người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, không tự ý tiêm chủng vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vaccine có chứa thành phần bạch hầu.

Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4/2024, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh).

Tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong (tháng 6/2024) tại huyện Kỳ Sơn. Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh (tháng 7/2024) tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An.

Trước diễn biến của dịch bạch hầu, nhiều người dân đã tìm tới các trung tâm tiêm chủng để tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh. Theo bác sĩ Phạm Đình Đông, bác sĩ trưởng Trung tâm tiêm chủng VNVC cơ sở Trường Chinh (Hà Nội), “Ngày 9/7 trung tâm tiêm chủng tiếp nhận, tư vấn, khám và tiêm phòng cho gần 1.000 khách hàng. Đa số các đối tượng tới tiêm đều là tiêm mũi 1”.

Tương tự tại TP.HCM, Bác sĩ Đinh Văn Thới, Trưởng Phòng khám Tiêm chủng - Viện Pasteur TP.HCM, cho hay trong 2 ngày 9 và 10/7, số người đến tiêm ngừa vaccine bạch hầu tăng đột biến. “Trước đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 10 - 11 người đến tiêm vaccine bạch hầu, nhưng trong 2 ngày gần đây, con số này đã tăng lên 100 -130 người/ngày”, bác sỹ Thới nói.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu