17:17 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Y tế đề xuất đánh thuế theo hàm lượng đường trong đồ uống

Tuấn Linh (t/h) | 11:06 24/03/2023

(THPL) - Theo đề xuất của Bộ Y tế, tất cả các đồ uống có đường theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có mặt trên thị trường đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp dụng đánh thuế dựa trên hàm lượng đường trong đồ uống.

Ngày 23/3, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá. Tại hội thảo, bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết, trong 10 năm qua, mức tăng trưởng tiêu dùng các dòng sản phẩm nước ép trái cây, thức uống thể thao, nước tăng lực, các loại trà uống liền rất cao. Dự báo mức tăng trưởng dương từ 3-5% trong 5 năm nữa. Điều này có thể cho thấy, trong tương lai không xa, các sản phẩm này sẽ tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam. Tại nước ta, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 lên 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).

“Thừa cân, béo phì cũng làm tăng các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm, bao gồm: Ung thư, bệnh tim, trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường týp 2 và tử vong sớm liên quan”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn chứng.

Bộ Y tế đề xuất đánh thuế theo hàm lượng đường trong đồ uống. Ảnh minh hoạ

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em. Kinh nghiệm quốc tế cũng như kinh nghiệm từ việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia cho thấy, để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường thì can thiệp về thuế và giá được chứng minh rất hiệu quả.

WHO cũng khuyến cáo, đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.

Từ thực trạng trên, Bộ Y tế đề xuất áp dụng đánh thuế dựa trên hàm lượng đường, cụ thể là sử dụng phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100ml đồ uống. Sẽ có quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế. Nếu hàm lượng đường trên ngưỡng này đánh theo mức đường càng nhiều, thuế càng cao.

Một số sản phẩm dinh dưỡng gồm sữa, các sản phẩm sữa, các sản phẩm từ sữa... có hàm lượng đường thấp (ví dụ như sữa ít đường) được đề xuất chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đưa “đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mục đích bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, giảm tỷ lệ béo phì và bệnh tiểu đường nói riêng.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày/người, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và gần bằng mức giới hạn tối đa 50g/ngày. Đặc biệt, đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì với cả trẻ em và người lớn.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017-2020) do Bộ Y tế công bố năm 2021 cho thấy, tỷ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu