02:48 ngày 13/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Y tế: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam đáng báo động

19:18 23/12/2022

(THPL) - Mặc dù không được cho phép sử dụng nhưng tỷ lệ dùng thuốc lá điện tử ở nước ta đang tăng nhanh đến mức báo động. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến nay đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.

Sáng 23/12, tại thành phố Đà Nẵng, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá” cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ công chức, viên chức Sở Thông tin & Truyền thông, phòng văn hóa thông tin các tỉnh khu vực miền Trung.

Tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng, Vụ pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết số người hút thuốc lá và tử vong do liên quan đến thuốc lá liên tục tăng qua từng năm. Mỗi năm có 8 triệu người tử vong do liên quan đến thuốc lá. Trong đó, 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Dù bị cấm nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam đáng báo động. Ảnh minh hoạ

Tại Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 40.000 người tử vong do liên quan đến thuốc lá. Dự báo của (Tổ chức Y tế thế giới) WHO, đến năm 2030, con số này có thể lên đến 70.000 người.

“Hai trong những biện pháp để phòng chống tác hại của thuốc lá đó là hạn chế quảng cáo về thuốc lá; tăng cường truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng. Tập huấn mong sẽ góp phần tuyên truyền, truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả”, ông Hồ Hồng Hải nói.

Liên quan đến thuốc lá điện tử, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ Công thương phối hợp cho ý kiến về đề xuất thí điểm đối với sản phẩm thuốc lá mới, ngay sau đó, lãnh đạo Bộ cũng giao cho các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế nghiên cứu về vấn đề này. "Chúng tôi đang triển khai để nhận diện những vấn đề liên quan đến sản phẩm, đến tác hại của sản phẩm"- bà Trang thông tin.

Để thực hiện tốt việc này theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Trang một là, phòng, chống buôn lậu và buôn bán kinh doanh bất hợp pháp cũng như quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị bất hợp pháp các sản phẩm này ở trên thị trường, đặc biệt là trên môi trường mạng; Hai là, tăng cường truyền thông, giáo dục đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt là gia đình, nhà trường và xã hội để chia sẻ và thấu hiểu về những hệ lụy khi sử dụng các loại thuốc lá này.

Bà Trang cũng thông tin thêm, nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ cao hơn nhiều so với những lứa tuổi khác. Về mặt kỹ thuật, rất khó kiểm soát được hàm lượng nicotine so với thuốc lá điếu và lại còn có thể pha chế được. Đặc biệt, nếu cho phép sử dụng loại này, những nỗ lực về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ thất bại. Bằng chứng là ở các quốc gia như là Mỹ chẳng hạn, chỉ từ năm 2017 đến 2019 đã tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh trung học phổ thông từ 11,5% lên 27,5%, tức là tăng lên 60 lần. Trong khi sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm thì tỷ lệ chỉ giảm đi được khoảng 10%.

"Nếu chúng ta cho phép thì tỷ lệ buôn lậu còn có nguy cơ gia tăng. Bởi vì khi sử dụng một cách chính thống công khai thì sự trà trộn của các sản phẩm nhập lậu còn khó hơn rất là nhiều, đặc biệt là rất khó phát hiện bằng cách là cảnh báo. Trong khi nếu như chúng ta cấm hoặc chưa cho phép thì đầu tư của chúng ta vào năng lực quản lý nó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều"- bà Trần Thị Trang nêu rõ.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới đã yêu cầu các quốc gia đánh giá báo cáo 2 năm một lần, tới kỳ 2021 đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia có quy định khác nhau trong đó có các quốc gia quản lý như dược phẩm. Các quốc gia quản lý như dược phẩm thì việc đảm bảo đăng ký quy định dược phẩm cũng không thực hiện được. Tại Đông Nam Á có 5 quốc gia cấm các loại thuốc lá mới này.

WHO đã đưa ra khuyến cáo chung, các sản phẩm thuốc lá mới các quốc gia có thể cấm hoặc quản lý. Nếu quản lý phải đảm bảo ngăn ngừa sự sử dụng của thanh, thiếu niên, các đối tượng dễ tổn thương. Ngăn ngừa việc bắt đầu sử dụng, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn, đã để các em tiếp cận rồi chúng ta rất khó quản lý vì nó có tính gây nghiện.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu