08:23 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN

Tú Linh (t/h) | 10:28 03/11/2023

(THPL) - Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, mức giảm trừ gia cảnh so với lương bình quân là cao, nhưng so sánh với mức sống đô thị của người dân, mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay lại là thấp. Vì vậy, Bộ đã đề xuất đưa vào chương trình sửa luật, sẽ nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam đang lạc hậu cả chục năm so với thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào chiều 2/11.

Theo ông Hồ Đức Phớc, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay là hơn 2,4 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các quốc gia trên thế giới đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần). Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện hành là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, trong khi lương bình quân là 4,6 triệu đồng.

Cho rằng mức giảm trừ gia cảnh so với lương bình quân là cao, nhưng so sánh với mức sống đô thị của người dân thì Bộ trưởng Tài chính nhìn nhận, mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp. Đặc biệt, trước chia sẻ về mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng ở đô thị, ông Phớc cho rằng, “đây là mức không đủ sống”. 

Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính cho biết đã đề xuất đưa vào chương trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, dự luật sửa đổi này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật trong thời gian tới, nên trước mắt Bộ Tài chính sẽ thực hiện sửa các luật gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và bộ luật thuế sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Về hướng dự kiến sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng cho hay trong năm tới sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7. Trên cơ sở đó sẽ tính thu nhập gốc, tính mức bình quân tăng lương mỗi năm là 7-8% để làm căn cứ tính ra thu nhập bình quân.

Với thu nhập bình quân, theo ông Phớc, đây sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng theo các mức thu nhập, theo vùng miền và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cho phù hợp với thực tế. Tuy vậy, tư lệnh ngành tài chính cũng cho rằng thu thuế thu nhập cá nhân trên tổng số thu ngân sách chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, dưới 5% và “không thấm vào đâu” so với thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước đó, tại buổi thảo luận của kỳ họp Quốc hội ngày 2/11, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) thể hiện lo ngại về việc các quy định, như khởi điểm thu nhập chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh, không được điều chỉnh để phản ánh biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát trong nền kinh tế.

Một trong những bất cập được nêu nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Hiện, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng) duy trì từ tháng 7/2020. Trong khi hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch COVID-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên. Thậm chí có quy định đã lạc hậu, chậm điều chỉnh cả chục năm như 7 bậc chịu thuế áp dụng từ năm 2007 đến nay. "Đây là bất cập lớn, cần thay đổi", ông nói.

Khoản giảm trừ gia cảnh này theo giải thích của cơ quan thuế được xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người" - là 11 triệu đồng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng với một người phụ thuộc. Con số 4,4 triệu đồng này được xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.

Trước đó, trong văn bản kiến nghị được gửi lên Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2023, cử tri TP.HCM cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã quá lạc hậu so với thực tiễn đời sống và mức độ phát triển của xã hội. Do đó, việc sửa đổi Luật Thuế Thu nhập cá nhân trong thời gian tới phải chặt chẽ, phù hợp và linh hoạt với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của người nộp thuế. Bên cạnh việc giảm bậc thuế từ 7 xuống 5 bậc, cần tính toán để tăng mức giảm trừ gia cảnh ít nhất đến năm 2026, đến khi luật có hiệu lực thi hành.

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu