15:45 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bố mất, mẹ ung thư giai đoạn cuối, 4 đứa trẻ sống lay lắt qua ngày

18:39 01/02/2019

Bố đột quỵ qua đời chưa đầy 1 tháng thì mẹ phát hiện ung thư di căn, gia cảnh khốn cùng nên 4 đứa trẻ phải sống lay lắt nhờ những bữa mì tôm, rau khoai cầm dạ. Vốn là những đứa con ngoan học rất giỏi nhưng biến cố quá lớn của gia đình khiến các em đang đứng trước nguy cơ thất học, tương lai mịt mờ.

Hoàn cảnh quá éo le bi đát trên là của gia đình chị Phan Thị Vinh (SN 1981, trú thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Lần theo lá đơn thấm đẫm nước mắt của người phụ nữ đang điều trị ung thư giai đoạn cuối ở Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm về thôn Tân Thượng.

Trời đã xế chiều nhưng cái nắng miền Trung lẫn gió Lào vẫn gay gắt, hơi nóng phả vào mặt như hắt lửa. Thế nhưng khi chúng tôi đến nhà, 4 chị em Phan Thị Thương (con chị Vinh, Thương là con đầu) vẫn đang phải phơi mình giữa nắng để kiếm từng lon gạo sống qua ngày.

Bốn đứa trẻ mồ côi bố, mẹ ung thư giai đoạn cuối đang phải trải qua những chuỗi ngày cơ cực.

“Những đứa nhỏ thì mót khoai, mót lạc còn 2 đứa lớn hơn ai thuê gì chúng làm nấy. Tuy nhiên, ở vùng đất nghèo nắng hạn này người lớn kiếm bát cơm cũng khó huống gì những đứa bé như thế” – người hàng xóm lo lắng cho chị em Thương.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 nóng nực, bà Bùi Thị Do (bà nội của chị em Thương) không ngừng rơi nước mắt khi kể về hoàn cảnh bi đát của gia đình người con trai đoản mệnh và những đứa cháu tội nghiệp.

Bà Do không ngừng rơi nước mắt kể về số phận éo le của những đứa cháu tội nghiệp.
Năm 2000, con trai bà là Phan Hải Đường (SN 1973) kết hôn với chị Phan Thị Vinh, hoàn cảnh khó khăn nên sau khi cưới 2 vợ chồng chị Vinh được bố mẹ riêng cho túp lều tạm bợ.

Những năm tháng bên nhau, cả hai đã miệt mài lao động, cố gắng để vượt khó vươn lên. Niềm vui đến khi năm 2002, chị Vinh sinh đứa con gái đầu lòng là Phan Thị Thương, rồi lần lượt năm 2006 thêm cháu Phan Hữu Thông, năm 2013 là Phan Hữu Thưởng và năm 2016 là Phan Hữu Thái.

Gia cảnh không mấy khá giả nhưng luôn đầm ấm hạnh phúc bởi những đứa con của vợ chồng chị Vinh ngoan ngoãn và học rất giỏi. Đặc biệt là cháu Phan Thị Thương nhiều năm liền là học sinh giỏi, em còn đạt giải cao trong nhiều kỳ thi cấp huyện, tỉnh. Thấy con như thế, anh chị luôn hãnh diện với bà con lối xóm, chăm chỉ làm việc để kiếm tiền nuôi các con học hành tới nơi tới chốn.

Dù học rất giỏi nhưng trước những biến cố của gia đình, 4 chị em Thương không biết rồi các em có thể được đến trường nữa hay không.

“Cuộc sống đang yên bình thì cách đây chừng một năm, khi đang làm công nhân cầu đường ở Tuyên Quang nghe tin vợ ốm, nó về đưa vợ đi viện khám rồi tiếp tục ra làm việc. Chưa biết kết quả vợ ra sao thì trong lúc làm việc thằng Đường đã đột quỵ qua đời” – bà Do khóc kể về sự ra đi đột ngột của người con trai đoản mệnh.

Tưởng chừng đó là sự mất mát quá lớn đối với 4 chị em Thương, nhưng nỗi đau vẫn chưa dừng lại. Khi bố vừa qua đời chưa đầy 1 tháng thì mẹ của các em phát hiện bị mắc bệnh ung thư ruột thừa. Một cú sốc quá lớn dội lên những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, dường như ông trời đang muốn lấy đi của các em tất cả.

Dù học rất giỏi nhưng trước những biến cố của gia đình, 4 chị em Thương không biết rồi các em có thể được đến trường nữa hay không.

Phát hiện mang trong mình căn bệnh quái ác, chị Vinh đành để 4 đứa con ở nhà hương khói cho người chồng còn chị vào Bệnh viện Ung Bướu ở thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. Bao nhiêu tài sản giá trị trong nhà cũng bán hết để theo chạy chữa, vì điều kiện quá khó khăn nên từ khi đi viện tới giờ chị Vinh chưa thể về thăm 4 đứa con lấy 1 lần.

Từ khi bố mất, mẹ vào viện, cuộc sống của 4 chị em Thương lâm vào những chuỗi ngày đói khát, cơ cực. Là chị lớn trong nhà, Thương một cô bé mới học lớp 10 bất đắc dĩ trở thành trụ cột. Sau những giờ tan trường, em làm đủ mọi việc từ việc nấu ăn, tắm rửa cho các em, hương khói cho bố...

Từ ngày gia đình gặp nạn, Thương bất đắc dĩ trở thành trụ cột, tất cả mọi thứ đều dồn lên cô bé đang tuổi học trò nhiều mơ mộng.
“Nhiều đêm các em nhỏ cứ khóc lóc đòi bố mẹ khiến em cũng khóc theo. Đã rất nhiều lần như thế rồi, chúng em chỉ biết ôm nhau rơi nước mắt chờ trời sáng để được thấy mẹ khỏe mạnh trở về an ủi chúng em như ngày xưa. Nhưng chờ đến bao giờ hả chú, những ngày tới em phải làm sao khi các em nhỏ cứ luôn đòi mẹ?” – Thương òa khóc nức nở.
Hai em sau còn quá nhỏ, chỉ có Thông là em trai thứ 2 còn có thể phụ giúp phần nào cho Thương.

Bà Do cho biết thêm, những ngày không đi học, Thương đưa các em nhỏ đến gửi cho ông bà nội già yếu rồi theo các cô chú thợ hồ trong xóm đi làm kiếm tiền mua gạo. Những lúc thợ hồ không có việc, em phải ra đồng mò cua bắt ốc về bán để 4 chị em sống qua ngày.

“Bên ngoại của các cháu ông bà đã mất hết, vợ chồng tôi cũng đã ngoài 70, giờ lo thân già còn không nỗi biết lấy gì giúp các cháu đây. Nhiều lần Thương có ý định nghỉ học vì hoàn cảnh quá khó khăn, những lúc ấy tôi cứ động viên cháu tiếp tục tới trường rồi đến đâu hay đó. Tôi muốn các cháu tiếp tục học hành để an ủi phần nào cho người bố đã khuất và động viên mẹ gắng gượng với bạo bệnh, nhưng cũng không biết các cháu có thể cố gắng được thêm bao nhiêu ngày nữa” - giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo khắc khổ của bà Do.

Hàng ngày chị em Thương phải nhờ những bữa rau khoai đưa cơm.
Thấy bà nói vậy, Thông òa khóc nức nở, dù nhiều người có mặt động viên em nhưng em không thể nín lại được. Có lẽ đó là nỗi đau mà em kìm nén quá lâu, em sợ rằng rồi sắp tới em cũng giống như người chị phải dập tắt những ước mơ tươi đẹp ở tuổi học trò.
Thông òa khóc vì tủi phận và không biết những ngày tới các em phải sống ra sao.
Trời nhá nhem tối, Thương đi vào bếp dọn cơm 4 chị em cùng ăn. Tuy nhiên, bữa ăn của các em chỉ có nồi cơm trắng, vỏn vẹn một bát mì tôm và vài cọng rau khoai. Em út của Thương không chịu ăn, giãy nãy òa khóc khiến Thương cũng buông bát. Ngoài những thiếu thốn về cái ăn hàng ngày các em không còn sự vỗ về yêu thương của đấng sinh thành như bao đứa trẻ khác, bữa cơm của 4 chị em cứ thế chan đầy trong nước mắt.
Vắng hơi ấm của bố mẹ, dù được chị dỗ dành nhưng đứa em út vẫn thường xuyên gào khóc.
Bữa cơm chan đầy nước mắt của 4 đứa trẻ tội nghiệp.
Mong rằng qua nhịp cầu nhân ái của báo Dân trí, những vòng tay yêu thương hãy cùng chia sẻ, chở che giúp 4 chị em Thương vơi bớt nỗi đau, sự mất mát và tương lai phía trước của các em không phải mò mẫm trong mịt mờ đen tối.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bà Bùi Thị Do (bà nội của 4 chị em Thương, thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh)

Số ĐT: 01678.141.254

Theo báo Dân Trí

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu