14:01 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ba kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023

Tuệ Anh (t/h) | 09:39 01/10/2023

(THPL) - Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất nhưng tăng trưởng kinh tế năm nay khó vượt 6%.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng 30/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%) trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Cạnh đó, CPI tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 09 tháng tăng 3,16%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (46,7%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 9 lần lượt tăng 3,6%, 4,6% và 2,6% so với cùng kỳ năm trước; 9 tháng ước xuất siêu 21,68 tỷ USD. Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát. An ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), lương thực, thực phẩm được bảo đảm.

“Sức khỏe” doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến khi số đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đạt trên 165,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,2%...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023. Ảnh minh hoạ

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo tình hình thế giới, trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng GDP quý IV và cả năm 2023. Cụ thể:

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam; hoạt động du lịch, tiêu dùng dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

“Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng.

Cũng tại Phiên họp, nhiều nhiệm vụ, giải pháp được kiến nghị. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa; thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chip, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao…

Theo dõi chặt chẽ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh; phát huy hiệu quả sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản... cũng là giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn, khả năng áp dụng của doanh nghiệp.

Tuệ Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu