00:06 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công Thương xin lùi thời gian sửa biểu giá điện

Phương Linh (tổng hợp) | 15:26 07/05/2020

(THPL) - Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng cho phép lùi thời gian sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt và sẽ đưa ra phương án sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Trong văn bản do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết, ngày 30/12/2019, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có công văn gửi Bộ Công Thương báo cáo về Đề án "Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện".

Theo báo Tiền phong, sau khi nhận được báo cáo của EVN, Bộ Công Thương đã xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Tính đến hết ngày 26/3/2020, Bộ Công Thương đã nhận được 130/154 ý kiến góp ý của các bộ ngành, Ủy ban của Quốc hội, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các tổ chức, hiệp hội.

Theo đó, thời gian sửa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Bộ Công Thương đề xuất là sau khi hết dịch. Bộ Công Thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổng hợp vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương xin lùi thời gian sửa biểu giá điện vì dịch Covid-19 (ảnh minh họa)

Trước đó, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế quyết định số 28, để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị lấy phương án giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang, tức rút gọn 1 bậc so với biểu giá hiện hành.

Với phương án này, cơ quan soạn thảo đưa ra hai kịch bản.

Kịch bản 1, bậc 1 từ 0-100 KWh, bậc 2 từ 101-200 KWh; bậc 3 từ 201-400 KWh; bậc 4 từ 401-700 KWh; bậc 5 từ 701 KWh trở lên.

Kịch bản 2, với giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi, cơ quan soạn thảo để xuất gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 KWh.

Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1 nhằm bảo đảm mức tăng giá điện hợp lý giữa các bậc, toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 KWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.

Theo báo Người lao động, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, trên thế giới áp dụng giá điện theo bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân. Theo đó, hộ sử dụng điện càng nhiều, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng thì sẽ phải chịu mức giá điện cao hơn khi đạt đến ngưỡng nào đó. Cụ thể, theo bảng giá điện sinh hoạt các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Lào, tỉ lệ giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất so với bậc thấp nhất tăng khoảng từ 1,65 - 3 lần.

Cũng theo Cục trưởng Điều tiết điện lực, việc giảm từ 6 bậc như hiện nay xuống còn 5 bậc cũng hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu