19:35 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất giải pháp giảm giá thép

15:38 04/06/2021

(THPL) - Hiện giá sắt thép thế giới liên tục giảm nhưng giá các sản phẩm thép tại Việt Nam vẫn chưa có động thái giảm. Trước diễn biến trên, tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều tối ngày 3/6, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp để hạ nhiệt thị trường thép.

Được biết, theo tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), những ngày cuối tháng 5/2021, giá thép thanh vằn trên Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 6% xuống 729,79 USD/tấn; giá thép tấm giảm từ 1.066 USD xuống còn 915 USD/tấn; thép chữ H giảm từ 950 USD xuống còn 839 USD)/tấn…

Nguyên nhân khiến giá sắt thép trên thị trường Trung Quốc giảm sâu là do Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) và SHFE đã nâng mức giới hạn giao dịch và siết chặt các yêu cầu ký quỹ và khôi phục lại mức phí đối với các hợp đồng giao dịch quặng sắt và thép trong tương lai... Mặc dù Trung Quốc là nơi cung ứng nguyên liệu sản xuất thép chính cho Việt Nam và đã giảm giá bán thép nhưng hiện sản phẩm thép Việt Nam vẫn đứng yên ở mức cao. Thậm chí một số DN như Thép Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Thép Sendo… đã thông báo từ 1/6 sẽ tăng thêm 300.000 đồng/tấn cho các mặt hàng như tôn mạ kẽm, thép dày mạ, ống thép mạ kẽm…

Khảo sát một số đại lý kinh doanh thép xây dựng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hiện thép cuộn CB240 Hòa Phát được bán với giá 18,27 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 17,81 triệu đồng/tấn. Với thương hiệu thép Việt Ý, sản phẩm thép cuộn CB240 hiện có giá 18,17 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 17,56 triệu đồng/tấn. Công ty thép Thái Nguyên đang chào bán thép thanh vằn D10 CB300 với giá 17,71 triệu đồng/ tấn…

Giá các sản phẩm thép tại Việt Nam vẫn ở mức cao, chưa có động thái giảm (ảnh: Internet)

Báo Kinh tế và Đô thị cho hay, lý giải nguyên nhân giá bán thép trong nước không giảm, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cho biết, giá thép cao là do chi phí đầu vào tất cả các nguyên liệu từ quặng sắt, điện cực graphite, than cốc, thép phế liệu… đều tăng; đặc biệt ngành thép Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới. Khi giá nguyên liệu thế giới tăng khiến giá thép thành phẩm tăng tương ứng.

“Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên giao dịch ngày 31/5 ở mức 166,79 USD/tấn, tăng 4,1% so với đóng cửa phiên trước; Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 6 trên sàn Singapore cũng tăng 1,1% lên 185 USD/tấn. Giá than luyện thành than cốc tăng nhẹ 0,6%, sản phẩm than cốc giao sau tăng 2,9%” - ông Đa nêu ví dụ.

Báo VTC News đưa tin, trước thực trạng giá thép vẫn ở ngưỡng cao, Bộ Công thương đề xuất, theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

Liên quan đến giá thép tăng cao, trước đó ngày 8/5/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có yêu cầu các bộ, ngành và Bộ Công Thương báo cáo về tình hình giá thép và đề xuất giải pháp. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam như Tổng Công ty Thép Việt Nam, Hòa Phát, Hiệp hội Thép Việt Nam... về vấn đề này và đã có báo cáo lên Chính phủ.

Ngày 20/5, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi đến Chính phủ đánh giá tình hình cung-cầu thép, đánh giá tình hình giá thép trong khu vực và trên thế giới và đề xuất giải pháp tác động tích cực về sự tăng giá của thép hiện nay, góp phần giảm gánh nặng về nguồn vật liệu cho các doanh nghiệp.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu