04:09 ngày 20/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công Thương thông tin về lộ trình tăng giá điện trong các năm tiếp theo

09:41 18/10/2024

(THPL) - Bộ Công Thương cho biết, giá điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Ngày 15/10 vừa qua, Bộ Công Thương công bố Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp thương mại tháng 9 và 9 tháng năm nay, trong đó có thông tin về lộ trình tăng giá điện trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bộ Công Thương cho biết, giá điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, giá điện được xem xét điều chỉnh nếu các thông số đầu vào trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện biến động khách quan và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của EVN chưa được tính vào giá điện.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh phải phù hợp với khung giá quy định tại Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh).

Bộ Công Thương thông tin về lộ trình tăng giá điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Ảnh minh hoạ

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 11/10/2024 đã có Quyết định số 1046/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10/2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Động thái tăng giá điện của EVN diễn ra sau khi kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm vừa qua của tập đoàn này được công bố với kết quả lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Cụ thể, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ trên 34.244 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423 tỷ đồng.

Liên quan đến quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN, cho biết việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này được thực hiện theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực tế tình hình sản xuất điện trong năm 2023. Khi giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ... biến động mạnh so với những năm trước đây.

Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, thực tế khi tính toán theo công thức của Quyết định 05/2024 thì mức tăng cao hơn rất nhiều so với mức tăng 4,8%. EVN và Bộ Công thương đã cân nhắc kỹ để việc tăng giá điện lần này sẽ không ảnh hưởng nền kinh tế. Mức độ ảnh hưởng đến CPI rất thấp, chỉ tăng 0,04%.

Dù giá điện tăng 4,8% nhưng EVN chưa thể đánh giá ngay được kết quả lãi hay lỗ mà phải đợi đến sau khi có báo cáo giá thành điện năm 2024, theo quy định của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương).

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - việc tăng giá điện hay giá xăng dầu thường tác động đến chỉ số lạm phát. Nhưng lần này, sự ảnh hưởng là không đáng kể và không thể gây ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra vì mức tăng giá điện 4,8% không quá lớn.

"Tập đoàn Điện lực EVN cũng đã tính toán kỹ và cho biết việc tăng giá điện lần này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,04%. Trong khi đó, theo công bố của Tổng Cục Thống kê, lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 2,69%. Con số này cho thấy khả năng cao lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là kiểm soát trong giới hạn 4 - 4,5%”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho rằng việc giá cả một số mặt hàng tăng mạnh thời gian qua ở một số nơi chắc chắn không phải do tác động của giá điện. Cụ thể, cơn bão số 3 xảy ra trong tháng 9 là nguyên nhân khiến giá cả tại các tỉnh phía Bắc có sự tăng đột biến, trong khi giá điện mới chỉ điều chỉnh vài ngày nên không thể tác động nhanh như thế được.

“Bên cạnh đó, một yếu tố may mắn nữa là giá dầu trên thế giới đã giảm. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì sẽ có lợi cho việc kiềm chế lạm phát ở trong nước”, ông Thành nói thêm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 7.000 doanh nghiệp dệt may. Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp từ khu vực Nam Trung Bộ trở vào các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đều sử dụng năng lượng mặt trời áp mái.

“Các doanh nghiệp đã chủ động nguồn điện đến hơn 80%, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn lắp đặt công suất lớn, có thể bán lên lưới điện quốc gia. Do đó việc tăng giá điện ở mức 4,8% cơ bản ảnh hưởng không nhiều đến giá thành sản phẩm. Khi giá thành sản phẩm tăng không đáng kể thì lạm phát cũng không bị tác động”, ông Giang nhận định.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu