00:38 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm 2024

09:05 27/01/2024

(THPL) - Bộ Công Thương kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện năm 2024 để đảm bảo phản ánh biến động các thông số đầu vào của giá điện, giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn để thanh toán cho các chủ đầu tư nhà máy điện.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá diễn ra mới đây, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay. Theo Bộ Công Thương, năm ngoái, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên 2.092,78 đồng một kWh, sau khi được nhà chức trách điều chỉnh hai lần vào tháng 5 và 11.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Gần nhất, giá điện tăng 4,5% vào tháng 11/2023.

Tuy nhiên để đảm bảo phản ánh biến động các thông số đầu vào của giá điện, giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn để thanh toán cho các chủ đầu tư nhà máy điện, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2024. Với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào tháng 5 năm nay.

Theo EVN cho biết, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá điện bán lẻ được điều chỉnh 2 lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao. Do đó, năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.

Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm 2024. Ảnh minh hoạ

Với mức tăng giá điện bán lẻ điện bình quân thêm 4,5% ngày 9/11 lên 2.006,79 đồng/kWh (trước đó đã tăng 3% vào ngày 4/5), EVN cho biết mức tăng này chỉ giúp tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng, chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn này. Các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước đây cũng không được tính toán trong giá điện.

Sau 2 đợt tăng giá điện trong năm 2023, EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ ước tính là 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng, trong năm 2023. Tính chung 2022 - 2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng).

EVN lý giải nhiều thông số đầu vào ảnh hưởng tới chi phí. Ngoài ra, còn do giá nhiên liệu đầu vào dù giảm so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao so với trước

Trước đó, dự báo có thêm đợt điều chỉnh giá điện năm nay cũng được nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra trong một báo cáo gần đây. Theo VCBS, hiện tượng El Nino xuất hiện nửa cuối 2023 và kéo dài tới nửa đầu năm nay là nguyên nhân khiến nước về các hồ thủy điện thấp, nhất là tại miền Bắc. Theo đó, điện than, khí giá thành cao buộc phải được tăng huy động, trong khi năng lượng tái tạo và nhập khẩu hạn chế. Việc này khiến tài chính của EVN tiếp tục khó khăn.

Nhóm nghiên cứu của VCBS kỳ vọng áp lực tăng giá điện sẽ giảm khi chu kỳ La Nina (ngược với El Nino) quay trở lại vào 2025, giúp giá nguyên vật liệu đầu vào (than, khí) giảm nhiệt về mức tương đương 2020-2021.

Liên quan đến giá điện, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc tăng giá điện là cần thiết để bù đắp lỗ, nhưng EVN cần công khai, minh bạch trong giá mua, bán điện, kết quả kinh doanh để không ảnh hưởng tới tâm lý người dân. "Nếu thấy giá điện chỉ tăng không giảm, người dân sẽ đặt câu hỏi. Đó là vấn đề phải truyền thông để người dân hiểu", ông góp ý.

Dù vậy, giới chuyên gia nhận định điện là mặt hàng năng lượng quan trọng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, nên biến động về giá mặt hàng này sẽ tác động tới lạm phát.

Còn theo chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nói "cần hết sức thận trọng" khi tăng giá điện trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư, phục hồi kinh tế. Giá năng lượng tăng sẽ làm chi phí điện năng, vận chuyển và giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm... điều chỉnh theo.

Về lâu dài, giới chuyên gia cho rằng, giá điện cần tiến tới được điều hành theo cơ chế thị trường, tăng - giảm theo biến động các thông số, chi phí đầu vào. "Giá điện khi đó có tăng, có giảm. Người dân sẽ thấy biến động cũng bình thường, mỗi lần điều chỉnh sẽ không gây xáo trộn lớn", ông Định Trọng Thịnh lưu ý.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu