10:04 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cung ứng điện cao điểm mùa khô năm 2024

06:48 04/01/2024

(THPL) - Bộ Công Thương vừa phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024. Trong đó, Bộ giao EVN rà soát, cập nhật, báo cáo kế hoạch đảm bảo điện các tháng cao điểm mùa khô, thời hạn trước ngày 15/3.

Ngày 3/1, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch cung ứng điện trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 (từ tháng 4 đến tháng 7). Trong đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, tập đoàn liên quan đến sản xuất, cung ứng, truyền tải, phân phối điện... 

Theo Kế hoạch, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 là 109,183 tỷ kWh.

Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm công bố Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024 bao gồm kế hoạch huy động sản lượng điện từng tháng cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.

Bộ Công Thương yêu cầu EVN lên kế hoạch cung ứng điện cao điểm mùa khô năm 2024. Ảnh minh hoạ

Trước ngày 15/3/2024, EVN có trách nhiệm cập nhật, báo cáo Bộ Công Thương về Kế hoạch đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện), đặc biệt là miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 với các kịch bản nhằm kiểm soát, ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện, có dự phòng đảm bảo ứng phó với các tình huống cực đoan, sự cố, khó khăn;

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện cập nhật thường xuyên và bám sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để có kế hoạch vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả, tuân thủ quy định và các quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp điện;

EVN cũng có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành các đơn vị phát điện thuộc phạm vi quản lý về công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định theo kế hoạch vận hành và huy động của hệ thống điện quốc gia;

Rà soát phương án vận hành lưới điện 500-220-110kV; kiểm tra, rà soát lại chỉnh định sa thải tổ máy phát điện, các hệ thống sa thải đặc biệt trên toàn hệ thống điện, hệ thống rơ le sa thải phụ tải theo tần số thấp (F81) nhằm ứng phó với những sự cố nghiêm trọng trên lưới điện truyền tải 500 kV Bắc - Nam khi đang truyền tải cao…

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị cung cấp than khác có trách nhiệm đảm bảo nhiên liệu, vận hành các nhà máy điện trực thuộc để đảm bảo phát điện.

Liên quan đến cung ứng điện, trước đó tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 2/1/2024, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV đã cho biết, tập đoàn đang gánh nhiều nhiệm vụ cùng lúc và được giao trách nhiệm là người mua duy nhất trên thị trường điện, dù hiện tập đoàn chỉ nắm gần 38% nguồn cung trên thị trường, không còn độc quyền nắm giữ toàn bộ nguồn điện và khâu sản xuất điện như trước.

"Là người mua duy nhất nên khi thiếu điện phải chịu trách nhiệm và cuối cùng đây là bài học đắt giá cho EVN. Đây là nhiệm vụ rất cam go trong những năm sắp tới của chúng ta, không chỉ năm 2024, 2025 hay 2026 mà cho đến khi an ninh năng lượng trên toàn quốc được đảm bảo”, ông An nói.

Theo Chủ tịch HĐTV EVN, để đảm bảo không để thiếu điện, thời gian tới, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, UBND các địa phương… rất quan trọng. Cùng đó, nếu không có vốn đầu tư của toàn xã hội vào các công trình đã quy hoạch và vạch quy hoạch, an ninh năng lượng sẽ bị ảnh hưởng.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu