09:41 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công thương rà soát đề xuất tăng giá điện của EVN

Tú Chi | 10:15 02/12/2022

(THPL) – Hiện Bộ Công Thương cùng các bộ ngành đang rà soát theo đề xuất tăng giá điện của EVN, thực hiện theo đúng quyết định 24, chỉ đạo của Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền.

Bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 1/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng khá cao, ảnh hưởng tới giá thành điện.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn này lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay và ước tính cả năm tập đoàn này lỗ hơn 31.000 tỷ đồng. Vì vậy, thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết EVN đã có đề xuất điều chỉnh giá điện theo quyết định 24.

"Bộ Công Thương đang cùng các bộ, ngành rà soát theo đề xuất của EVN, thực hiện theo đúng quyết định 24, chỉ đạo của Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền. Giá đầu vào tăng, cần có sự điều chỉnh, nhưng tăng ở mức nào các bộ, ngành phải rà soát theo đúng thực tế, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", ông Hải nói.

Bộ Công thương đang rà soát đề xuất tăng giá điện của EVN. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến đề xuất tăng giá điện, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do giá khí tăng theo giá dầu, trong khi năm nay giá dầu tăng cao gấp 2 lần so với các năm trước. Ngoài ra, các nguồn khí rẻ sắp hết nên buộc phải khai thác và sử dụng các nguồn khí giá cao, cho nên toàn bộ chi phí mua điện theo loại hình khí cũng tăng rất lớn.

Trong khi đó ước tính, giá nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu tăng 160% sau 2 năm, còn với điện năng lượng tái tạo thì giá mua cao hơn 30% so với giá bán.

Liên quan mức lỗ mà EVN dự báo là hơn 31.000 tỷ đồng trong năm 2022, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết nếu không thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tiết giảm chi phí, khai thác tận dụng tối đa các nguồn điện giá rẻ... thì mức lỗ trong năm nay của tập đoàn có thể còn cao hơn rất nhiều.

Trước các áp lực chi phí đầu vào tăng mạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Xuân Nam cho biết EVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương các kịch bản cũng như thời điểm để điều chỉnh giá điện. Nếu được phê duyệt mức cũng như thời điểm điều chỉnh hợp lý thì sẽ giảm thiểu khó khăn cũng như giúp cân đối tài chính cho EVN.

"EVN mong muốn doanh nghiệp và người dân đồng hành và chia sẻ cùng với tập đoàn", ông Nam cho biết.

Trong diễn biến liên quan, ông Phan Tử Lượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, giá bán điện bình quân ước cả năm của tổng công ty là 1.786 đồng/kWh, trong khi giá mua điện trên thị trường điện của đơn vị là 2.500 đồng/kWh, khiến đơn vị này đã bị lỗ 4.843 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện.

Còn theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, giá mua điện thị trường tăng khoảng 39% so với giá bán điện bình quân của đơn vị. Do đó, nếu vẫn giữ giá bán điện thì doanh nghiệp khó bù đắp khoản chi phí lỗ. Với tình hình tài chính hiện nay, EVN cũng dự kiến không chỉ gặp khó khăn trong năm nay mà còn ở các năm tiếp theo.

Hiện, giá bán lẻ điện bình quân tại Việt Nam ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay, bất chấp khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước và đẩy giá điện tăng mạnh.

Tuy nhiên, việc EVN thua lỗ trong kinh doanh điện do chi phí nhiên liệu đầu vào, tỷ giá tăng mạnh nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây tác động tới chuỗi sản xuất, kinh doanh điện khi EVN không có tiền để trả cho các bên bán điện, các nhà thầu thi công công trình trình điện. Như vậy, vấn đề đảm bảo điện cho nền kinh tế hoạt động bình thường sẽ có những thách thức nhất định.

Tú Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu