06:44 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bắt bệnh qua facebook, thực phẩm chức năng "ship tận nhà" nghỉ Tết sớm vì sợ!

Theo Phapluatplus/Báo PLVN | 21:18 30/01/2019

Hàng loạt phòng khám "xảo trá", nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được các phòng khám "hô biến" thành thần dược chữa bệnh...đã bị các cơ quan báo chí phanh phui.

"Nghỉ tết sớm" vì sợ!

"Hàng loạt phòng khám Đông y gia truyền như Phúc Minh Đường, Thiệu Khang Đường…đều nằm trong hệ thống “ma trận” của Công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược. Nhiệm vụ chính là để “rửa nguồn”, tạo vỏ bọc hoành tráng và tăng độ tin cậy cho các loại thực phẩm chức năng (TPCN). Do đó, bệnh nhân dù mua hàng theo kiểu gửi về tận nhà, hay qua trực tiếp các phòng khám để mua, thì lợi nhuận vẫn dồn về 1 mối" - đó là những gì mà Báo Lao Động đã thông tin phanh phui cuối năm 2018.

Các sản phẩm của Công ty Đông Nam dược. (ảnh Báo Lao động)

Sau hàng loạt bài viết về thị trường thực phẩm chức năng của nhiều cơ quan truyền thông. Mặc dù cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở, địa chỉ đã nêu. Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm này vẫn tiếp tục được rao bán trên các trang fanpage của Facebook.

Để tìm hiểu những thông tin này, nhiều ngày cuối tháng 1/2019 Phóng viên Pháp luật Plus đã liên tục liên hệ đến số máy 0988xxxx để mua sản phẩm Bách Xương Tán. Số máy đã được chuyển vào đại lý tại khu vực miền Nam. Qua điện thoại, người phụ nữ này nói rằng, muốn mua bao nhiêu cũng có, nhưng chỉ gửi hàng ra qua đường chuyển phát nhanh và không gặp mặt trực tiếp giao dịch (!?).

Tiếp tục liên hệ để mua một số sản phẩm như: Vương Khớp An, Trường An Vị, Cao Lá Đung, An Họng Khang, Chỉ Khiết Hầu, Tán Trĩ An, Đào Nữ An…thì rất khó để mua sản phẩm. Có những sản phẩm đã không liên hệ được với số điện thoại. Có sản phẩm thì nhân viên đã báo hết hàng, nghỉ tết sớm vì cơ quan chức năng làm "rát", và phải "nằm im" vì vừa rồi nhiều cơ quan báo chí phản ánh quá.

Để rộng đường dư luận Phóng viên Pháp luật Plus cũng đã liên hệ với người đứng đầu của Cục an toàn Thực phẩm – Bộ Y tế. Tuy nhiên, vị này không nhấc máy. Dù trước đó đã có nhiều cuộc kiểm tra đột xuất nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể.

"Sóng gió" 2018

Cùng Pháp luật Plus điểm lại năm 2018 "đầy sóng gió" khi hàng loạt các Phòng khám, công ty, sản phẩm thực phẩm chức năng đã bị các cơ quan báo chí “bóc trần”.

Phòng khám Phúc Minh Đường vắng vẻ sau những thông tin mập mờ, gian dối bị báo chí phanh phui.

Ngày 13/01/2018, Báo điện tử tamnhin.net.vn có đăng tải thông tin bài viết: “Phúc Minh Đường vẫn tiếp tục lừa đảo khách”. (Pháp luật Plus xin trích đăng một phần nội dung)

Bài báo đã phản ánh về những hoạt động gian dối của Phòng khám Đông y gia truyền Phúc Minh Đường bị phanh phui, thế nhưng, các kênh bán hàng trực tuyến, nhân viên tư vấn của Phúc Minh Đường vẫn ngang nhiên quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, đưa khách hàng vào "ma trận": một viên thuốc chữa bách bệnh.

Hoạt động của phòng khám này có nhiều sự thay đổi, lượng người bệnh tìm đến không còn đông đảo như trước, tình trạng vắng vẻ diễn ra thường xuyên và liên tục…

Không còn cảnh người bệnh xếp hàng chờ đến lượt được vào khám, phòng khám Đông y gia truyền Phúc Minh Đường hiện nay rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ sau một loạt những lùm xùm đã được phản ánh trên báo chí.

Hàng loạt người bệnh đã và đang điều trị bệnh tại phòng khám đều bày tỏ tâm trạng lo lắng cho sức khoẻ của mình vì đã trót đặt niềm tin để đến khám và điều trị cũng như mua thuốc của phòng khám này về dùng.

Ngày 29/10/2018 đến ngày 2/11/2018, Báo Lao Động đã đăng tải loạt bài viết: Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng (Pháp luật Plus xin tóm lược một phần nội dung)

"Tàn nhẫn và xảo trá, đó chính xác là những gì nhóm PV Báo Lao Động muốn lột tả qua loạt phóng sự này, sau khi dày công tìm đến mảng hỗn độn nhất của thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) - kênh giao dịch online. Ở đó, khi mọi chuẩn mực đạo đức bị gạt sang một bên, thì một kẻ đọc, viết chưa sõi cũng có thể dõng dạc chẩn bệnh, kê đơn. Một kẻ nửa chữ về chuyên ngành y, dược không biết nhưng cũng có thể nổi lên như một bậc thầy tư vấn sức khỏe… Tất cả quay cuồng, sấp ngửa chỉ vì hai chữ lợi nhuận.

Đặc biệt, bất biết tình hình bệnh tật ra sao, triệu chứng thế nào, cứ liên quan đến xương khớp là lập tức các “bác sĩ” sẽ “chỉ định” dùng Vương Khớp An. Số lượng nhiều ít tùy theo khả năng kinh tế và thái độ của người bệnh. Vương Khớp An có giá 350.000đ /lọ, Bách Xương Tán 220.000đ /lọ, chỉ dùng được trong 10 ngày. Một “liệu trình” thông thường gồm 3 lọ Vương Khớp An và 2 lọ Bách Xương Tán, bệnh nhân mất khoảng 1,5 triệu đồng.

Công ty Đông Nam Dược là trung tâm của hơn 20 công ty con và các chi nhánh vệ tinh, chuyên bán TPCN theo hình thức online. Cùng với đó, hệ thống này đã và đang đẩy ra thị trường hàng chục mã hàng đều trong vỏ bọc “thần dược” như: Vương Khớp An, Bách Xương Tán (xương khớp), Trường An Vị (đại tràng), Cao Lá Đung (dạ dày), An Họng Khang, Chỉ Khiết Hầu (viêm họng), Tán Trĩ An (trĩ), Đào Nữ An (nở ngực)… Trong đó, xin nhắc lại, Vương Khớp An là mặt hàng chủ lực, giá bán 350.000 đồng/lọ" - Hết trích đăng.

Trả lời tại Tọa đàm “Thực trạng phát triển và khung pháp lý kiểm soát thị trường TPCN” ngày 26/9/2018, ông Nguyễn Minh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Dio Cosmetics, mặc dù thị trường TPCN đang phát triển mạnh, song chất lượng là vấn đề vẫn còn bị “bỏ ngỏ” và còn nhiều điều quan ngại. Bởi theo ông Tuấn, bên cạnh những DN sản xuất, kinh doanh chân chính, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì vẫn còn một số lượng không nhỏ những DN, cơ sở sản xuất sẵn sàng làm ăn chụp giật, bất chấp quy định pháp luật bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí còn trà trộn chất cấm để thu lợi bất chính.

Đặc biệt, còn tồn tại khá phổ biến tình trạng nhiều sản phẩm TPCN được DN không ngần ngại “thổi phồng” về công dụng, tính năng của sản phẩm dù thực tế không phải như vậy, gây tổn thất và thiệt hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng “bát nháo” trong thị trường TPCN, theo ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm, một mặt do ý thức tuân thủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của một bộ phận DN, cơ sở sản xuất chưa cao. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ sản phẩm TPCN vi phạm gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.

Bên cạnh đó, việc quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, công tác thanh kiểm tra chưa bắt kịp thực tế. Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh để đủ sức răn đe đối với những DN, cơ sở sản xuất kém chất lượng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Phapluatplus/Báo PLVN

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu