07:01 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bà Rịa-Vũng Tàu: Cần làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm trong các gói chỉ định thầu

13:58 20/09/2021

(THPL) - Vừa qua, Tòa soạn Thương hiệu và pháp luật nhận được hồ sơ phản ánh của bạn đọc về một số dấu hiệu nghi vấn trong công tác đấu thầu tại Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa. Theo đó, từ năm 2012 tới năm 2017, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thanh An thực hiện nhiều gói thầu theo hình thức mở rộng hợp đồng hoặc chỉ định thầu với giá trị lớn. Trong đó giá trị gói thầu thấp nhất là khoảng 75 tỷ đồng, cao nhất là hơn 100 tỷ đồng và đều được ký bởi ông NTD- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa.

Theo báo cáo số 759/NĐBR-KT&AT ngày 27/8/2021 của Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa gửi Tổng Công ty Phát điện 3 báo cáo công tác lựa chọn nhà thầu các hợp đồng cung cấp dịch vụ sửa chữa tổ máy turbine khí nhà máy nhiệt điện Bà Rịa. Trong đó có nội dung phân tích làm rõ lý do lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu sửa chữa lớn có giá trị cao. Đơn cử như ngày 15/8/2017, ông NTD- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa ký tờ trình số 890/TTr-NĐBR-KHKD trình Hội đồng quản trị cho phép chỉ định thầu Sửa chữa phục hồi rotor Turbine-máy nén và Nâng công suất tổ máy Turbine  khí GT6. Cũng trong ngày 15/8/2017 thay mặt HĐQT, ông Huỳnh Lin ký quyết định số 892/QĐ-NĐBR-HĐQT đồng ý chủ trương cho phép triển khai thủ tục đàm phán với đại diện nhà sản xuất GE theo hình thức chỉ định thầu.

Đại diện thương mại thì không cần chứng minh năng lực?

Căn cứ vào điểm c, khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ:

Ở trường hợp này, theo báo cáo của Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa cho rằng Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thành An là đại diện thương mại của Công ty GE, tiếp tục đại diện Công ty GE để cung cấp phụ tùng mới, phục hồi turbin khí F5, F6 và nâng công suất turbine khí tổ máy GT6. Nhưng cũng chính tại báo cáo, Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa cũng thừa nhận có nhà thầu chào được loại hàng hóa loại nâng công suất của nhà sản xuất GE nhưng không cung cấp được các hồ sơ đáp ứng được năng lực và kinh nghiệm đã từng cung cấp và thực hiện dự án nâng công suất như kinh nghiệm của nhà sản xuất GE đã thực hiện. Như vậy, có thể thấy nhà sản xuất GE chào bán sản phẩm rộng rãi, có thể có nhiều nhà phân phối khác nhau. Trước đó năm 2010, Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế gói thầu “cung cấp vật tư thiết bị và phục hồi các cơ phận turbinne khí F1-F6 (giai đoạn 2010-2014” và nhà sản xuất GE đã trúng thầu. Lẽ ra,  Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa phải liên hệ để ký kết trực tiếp với nhà sản xuất GE để đảm bảo chất lượng cũng như giá thấp nhất hoặc phải tổ chức đấu thầu rộng rãi. Đằng này lại chỉ định thầu qua một công ty khác là Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Thanh An với tư cách là nhà đại diện thương mại. Và có lẽ, cũng chẳng có căn cứ nào để chứng minh Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Thanh An có đủ các hồ sơ đáp ứng được năng lực và kinh nghiệm đã từng cung cấp và thực hiện dự án nâng công suất như kinh nghiệm của nhà sản xuất GE đã thực hiện.

Vì sao thời hạn chỉ định thầu kéo dài?

Căn cứ vào Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Điều 54 Hạn mức chỉ định thầu quy định: Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

Với nội dung này, để đảm bảo khách quan, đối với gói thầu trên 1 tỷ đồng phải tiến hành đấu thầu rộng rãi. Cũng căn cứ vào khoản 2, Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 nêu rõ: Việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:a) Có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án;b) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;c) Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu;d) Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay;đ) Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;

Theo nội dung tờ trình số 890/TTr-NĐBR-KTKD của Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa thì để kịp thời chuẩn bị vật tư, phụ tùng kịp thời cho công tác sửa chữa và sản xuất điện năm 2016, Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa đã có tờ trình số 1080/TTr-NĐBR /KHKD ngày 17/10/2016 trình Chủ tịch HĐQT xem xét, phê duyệt dự kiến các gói thầu, kế hoạch mua sắm vật tư phụ tùng, dịch vụ sửa chữa.. nhưng đến tận ngày 8/9/2017 Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa mới ký kết hợp đồng số 44/HĐ/BR-TA/17 với Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Thanh An với giá trị là 75,955,000,000 VNĐ. Do đó, có dấu hiệu vi phạm về thời gian và hạn mức.

Được biết, Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Thanh An nghiễm nhiên trở thành nhà thầu quen mặt tại các gói thầu do Công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa mời thầu. Đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ những nội dung trên, đảm bảo tính minh bạch khách quan của các gói thầu, tránh thất thoát tại sản của Nhà nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Tiến Dũng cũng như Hội đồng quản trị trong giai đoạn đó và xử lý nghiêm nếu để xảy ra sai sót.

Liên quan đến những dấu hiệu vi phạm về chỉ định thầu, gần đây nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được phát hiện và xử lý nghiêm. Điển hình như việc mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic của Công ty Thoát nước Hà Nội được bị cáo Nguyễn Đức Chung ấn định từ trước. Công ty Arktic chỉ làm thủ tục nhập khẩu, sau đó bán lại cho Công ty Thoát nước Hà Nội để hưởng lợi nhuận. Công ty Arktic không có năng lực về kinh nghiệm, chuyên môn, quy mô, tài chính, khi nhập chế phẩm Redoxy 3C chuyển cho Công ty Thoát nước Hà Nội để Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện việc thí nghiệm. Sau khi nhập khẩu chế phẩm Redoxy 3C thì Công ty Arktic chuyển thẳng về để ở kho của Công ty Thoát nước Hà Nội (mặc dù chưa ký hợp đồng mua bán nhưng do Công ty Arktic không có kho, bãi).  Đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải có những điều chỉnh kịp thời, chặt chẽ cho cơ chế chỉ định thầu, không để có kẽ hở nhằm triệt tiêu những hành vi tiêu cực, lợi dụng trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước cũng như làm mất đi tính cạnh tranh bình đẳng trong môi trường đấu thầu.

Sỹ Lam

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu