17:17 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ảnh hưởng dịch bệnh, xuất khẩu hạt điều hạ mục tiêu xuống 3,2 tỷ USD

19:13 04/08/2020

(THPL) - Năm 2020, ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức tiêu thụ hạt điều trên thị trường yếu hẳn so với cùng kỳ. Do đó, ngành điều Việt Nam chính thức hạ mục tiêu xuất khẩu hạt điều trong năm nay xuống còn 3,2 tỷ USD.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nửa đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều đạt 223.000 tấn và 1,47 tỷ USD, tăng 14,4% về khối lượng nhưng giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thông tin thêm, trong số 3 thị trường xuất khẩu nhân điều trọng điểm của Việt Nam (gồm Mỹ, châu Âu, Trung Quốc), chỉ có Trung Quốc tiêu thụ giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2019, còn lại Mỹ, châu Âu thanh khoản duy trì ở mức tốt.

Theo đánh giá của Vinacas, nhìn vào những con số có thể thấy xuất khẩu 6 tháng đầu năm là khả quan khi tăng về lượng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, con số này chưa phản ánh đúng thực tế thị trường. Lượng hàng xuất khẩu không có thị trường đích (hàng đưa vào kho ngoại quan chờ xuất) còn rất cao. 

Theo báo Hải quan cho hay, ngoài ra, một nghịch lý vẫn diễn ra như mọi năm, đó chính là ở một số thời điểm, cùng một mã hàng, giá điều nhân mua bán nội địa cao hơn từ 15-20% so với giá xuất khẩu. Điều này đã làm cho tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp thuần thương mại xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Ảnh hưởng dịch bệnh, xuất khẩu hạt điều hạ mục tiêu xuống 3,2 tỷ USD (ảnh minh họa)

Vinacas nêu rõ, nhu cầu tiêu dùng nhân điều toàn cầu từ nay đến cuối năm 2020 vẫn là dấu hỏi lớn, bởi hạt điều không phải là sản phẩm thiết yếu, không thể thay thế. Thực tế, tiêu thụ điều trong nhà hàng, các cơ sở lưu trú, khách sạn, du lịch giảm do giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19,...

Theo đó, Vinacas đã đưa ra dự báo 2 "kịch bản" có thể xảy ra trong 6 tháng cuối năm theo chiều hướng trái ngược.

"Kịch bản" tốt là đại dịch Covid-19 bị ngăn chặn, thế giới phát minh ra vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh. Chuỗi cung ứng toàn cầu bình thường trở lại. Nhu cầu thị trường Trung Quốc bình thường trở lại.

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc thực vật tiếp tục gia tăng trong và sau mùa dịch tại thị trường Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, 3 mùa vụ lớn trên thế giới đã kết thúc, lượng hàng dự trữ được điều tiết và bán ra thị trường ở mức ổn định và giá cả hợp lý, giao dịch ổn định, mặt bằng giá nguyên liệu mới được thiết lập…

Đánh giá "kịch bản" này rất khó có thể xảy ra, Vinacas thiên về "kịch bản" thứ hai là không tốt. Cụ thể, làn sóng Covid-19 lần thứ hai có thể xảy ra dẫn tới những tác động tiêu cực, “bất khả kháng” không thể lường trước được.

Nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc tiếp tục ảm đạm, đặc biệt ở giai đoạn cao điểm cuối năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường nội địa Ấn Độ tiếp tục bị ảnh hưởng, đặc biệt trong giai đoạn diễn ra những lễ hội quan trọng, mùa cưới, mùa đông,...

Bên cạnh đó, tình trạng nguyên liệu cập cảng xếp đầy trong các kho ngoại quan tại Việt Nam và Ấn Độ có thể xảy ra do thanh khoản thấp, không người mua nào có khả năng mua đầu cơ trong dài hạn,...

Ngoài ra, Chính phủ Bờ Biển Ngà thay đổi chính sách và cho phép “xả hàng” ở giai đoạn nhạy cảm, có thể làm giá điều giảm sâu và nhiều doanh nghiệp có thể thua lỗ. Bên cạnh đó, công suất chế biến tiếp tục tăng trong khi thanh khoản trên thị trường điều nhân thấp cũng là sức ép để giảm giá, điều này sẽ không có lợi cho toàn ngành.

Đến thời điểm hiện tại, Vinacas đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm là 450 nghìn tấn nhân điều các loại với trị giá xuất khẩu 3,2 tỷ USD (6 tháng đầu năm đã đạt 51,65% kế hoạch đề ra). Trong khi đó, cuối năm 2019 khi đề ra mục tiêu xuất khẩu năm 2020, con số được ngành điều “nhắm” tới là 4 tỷ USD.

Cũng theo Vinacas, Việt Nam là nước xuất khẩu điều số 1 trên thế giới nhưng chủ yếu là xuất dưới dạng nhân điều sơ chế, và các thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Âu, châu Úc, Mỹ và Trung Quốc,…

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp điều tham gia lĩnh vực chế biến sâu tẩm ướp gia vị, như: điều rang muối, điều tẩm mật ong, sửa điều, điều wasabi… Các mặt hàng này nếu xuất vào thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á thỉ các doanh nghiệp vẫn giữ được thương hiệu của công ty, còn xuất đi các thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu, Úc... các công ty Việt Nam chủ yếu gia công chế biến sâu nên xuất bằng thương hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài, theo CafeF đưa tin.

Do vậy, tuy là cường quốc điều nhưng người nông dân và các doanh nghiệp chế biến sâu của Việt Nam chỉ nhận được từ 40 - 50% trong chuỗi giá trị điều, phần còn lại thuộc về các tập đoàn, các nhà bán buôn, bán lẻ nước ngoài.

Theo phân tích của Vinacas, sở dĩ khối lượng điều chế biến sâu sử dụng trong nước còn thấp là do văn hóa của tiêu dùng của người Việt chưa có thói quen ăn các loại hạt mà chủ yếu vẫn là ăn cơm nên chỉ dùng hạt điều trong các dịp lễ, tết.

Để tăng sức mua ở thị trường nội địa, Vinacas đã xây dựng “Chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước”, nhờ vậy mức tiêu thụ đã khởi sắc so với 5 năm về trước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sức mua đã tăng lên rõ rệt.

Thanh Mai (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu